Điều 61 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Điều này có 4 khoản, với nội dung cụ thể như sau: 1. Xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. 2. Để xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn; thực hiện dự án nhà ở tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. 3. Để thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). 4. Để cho thuê đất thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Trong luật đất đai hiện hành cũng có quy định như trên tại Điều 38: Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: 1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;... Trong khi đó, tại Điều 23 của Hiến pháp hiện hành có quy định cụ thể như sau: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Như vậy, Hiến pháp hiện hành đã quy định rõ, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Do đó, Luật Đất đai hiện hành đã và đang vi hiến, nói đúng hơn là vi phạm Hiến pháp.
Vì lý do trên, tôi đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không nên quy định cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì mục đích kinh tế, xã hội. Vì người dân có quyền đặt câu hỏi việc thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch xây dựng sân golf tràn lan như thời gian vừa qua là vì mục đích gì? Hơn nữa, nếu cho phép thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội sẽ dẫn đến việc thu hồi đất tràn lan và sẽ dẫn đến quá tầm kiểm soát, đồng thời tạo kẽ hở, cơ hội cho tham nhũng phát triển. Do đó, tôi đề nghị Dự thảo Luật Đất đai phải tuân thủ theo Hiến pháp, nếu cần thiết thì trong dự thảo có thể thay lợi ích quốc gia bằng lợi ích công cộng, vì xét về mặt xã hội thì lợi ích công cộng cũng là lợi ích quốc gia. Nói đúng hơn, lợi ích công cộng là nội hàm của lợi ích quốc gia.
Điều 109 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về bảng giá đất. Theo đó, Khoản 1, điều này có quy định như sau: 1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh xây dựng bảng giá đất tại địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Đối với những nơi chưa có giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc quy định cụ thể giá các loại đất tại khu vực giáp ranh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ sáu mươi (60) ngày trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với giá đất thị trường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nguyên tắc và phương pháp định giá đất quyết định giá đất cụ thể.
Theo như quy định trên, giá đất là một trong những khâu đột phá của dự án Luật Đất đai sửa đổi và điểm mới đó là giá đất do Nhà nước quyết định nhưng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc xác định giá đất sát với giá thị trường như hiện nay là vô cùng khó, do thị trường luôn biến động. Mặt khác, ở nước ta còn có những vùng và nhiều loại đất chưa có thị trường thì lấy gì làm căn cứ mà theo. Hơn nữa, tuy nói là theo sát giá thị trường, nhưng chính Nhà nước cũng lúng túng trong việc quy định và xác định như thế nào là giá thị trường?
Trong khi đó, giá thị trường thì lại liên tục biến động trong những thời điểm khác nhau nên rất khó xác định đâu là giá chuẩn, là giá có thể chấp nhận được. Và còn một thực tế nữa là có không ít nơi khung giá đất do Nhà nước quy định không theo sát giá thị trường, giá đền bù không đúng với giá “tiền tươi thóc thật” mà người dân đang áp dụng trong việc sang nhượng đất tại địa phương. Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng và khiếu kiện kéo dài như hiện nay. Vì vậy, trong dự thảo luật tôi đề nghị cần quy định rõ hoặc giải thích rõ như thế nào là “giá thị trường” ở trong phần giải thích từ ngữ. Hoặc trong luật quy định rõ là giao cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành điều này.
Văn Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065