Tàn nhưng không phế
Năm 1983, ông Chu Kim Cảnh nhập ngũ vào Sư đoàn 442, Quân khu IV, sau đó ông nhận lệnh sang chiến trường Campuchia tiêu diệt quân diệt chủng Pôn Pốt. Tháng 11-1985, khi đơn vị đang tải thương ra tuyến sau thì bị địch mai phục. Trận đánh không cân sức, ông bị thương nặng và phải bỏ lại một chân ở chiến trường nước bạn. Cuối năm 1986, ông Cảnh xuất ngũ về quê hương với tỷ lệ thương tật 2/4.
Thương binh Chu Kim Cảnh đang chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình
Quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, ông rời quê Thanh Hóa vào ấp Thuận Thành, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) lập nghiệp. Ông tâm sự: Lúc mới vào vất vả vô cùng, phải làm việc quần quật cả ngày. Khi trái gió trở trời, vết thương lên cơn đau như cắt ruột nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng.
Mới đầu ông mua mảnh vườn nhỏ, dần dần tích góp mua được 3 ha trồng điều và nhiều loại cây ăn trái. Khi cây điều khép tán, ông đầu tư nuôi gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Nhờ cần cù và sáng tạo trong lao động, 3 ha điều của ông luôn đạt năng suất cao, đàn gia cầm phát triển đều nên mỗi năm ông thu về trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Đỗ Điền, Trưởng ấp Thuận Thành cho biết: Hộ ông Cảnh là gia đình văn hóa điển hình tại khu dân cư. Ông luôn tham gia tích cực mọi hoạt động của địa phương, được người dân quý mến.
Điển hình làm kinh tế
Nhắc đến bệnh binh Lê Ngọc Thịnh ở ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi, ai cũng cảm phục bởi không chỉ lập nhiều thành tích trong thời chiến, mà thời bình ông là người đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi.
Năm 1965, chàng trai đất Hà thành lên đường nhập ngũ và công tác tại Phòng Tham mưu Sư đoàn 371, đóng tại sân bay Đa Phúc (Hà Nội). Ở cương vị trợ lý thông tin, ông luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Suốt 17 năm quân ngũ, ông hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Hai cùng nhiều huân, huy chương khác.
Sau khi xuất ngũ, năm 1991 ông Thịnh lập gia đình với bà Nông Thị Ranh và vào Thuận Lợi lập nghiệp. Ông nhớ lại: Khi mới vào mọi thứ đều xa lạ. Để trang trải cuộc sống, tôi đi phát cỏ dọn vườn, còn vợ thì làm thuê.
Sau chuỗi ngày lao động miệt mài, đến nay ông Thịnh là chủ trang trại khép kín rộng 9,4 ha, gồm 8,5 ha cao su, 0,6 ha mít và 0,1 ha ao cá... Ông còn tận dụng khu đất rộng nuôi hơn 200 con gà, 10 con heo. Đặc biệt, năm 2008 gia đình ông thử nghiệm nuôi cá sấu. Bà Nông Thị Ranh cho biết: Cá sấu dễ nuôi, ít bị bệnh lại tận dụng động vật chết làm thức ăn nên vừa đảm bảo môi trường vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Nếu nuôi tốt, mỗi lứa chỉ cần hơn 2 năm là xuất chuồng, giá bán trung bình 120-130 ngàn đồng/kg. Với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông thu nhập mỗi năm 600-700 triệu đồng sau trừ chi phí.
Ông Lê Duy Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Lợi cho biết: Ngoài gương sáng về làm kinh tế, ông Thịnh còn là Chi hội trưởng cựu chiến binh gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi phong trào, góp phần cùng nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
T.Thông - T.Khánh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065