Việt Nam vốn là đất nước có nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước. Do đó, từ xa xưa phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính trong việc nuôi sống cả gia đình. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sinh ra bao tấm gương phụ nữ sáng ngời mà ít thấy ở dân tộc nào trên thế giới. Qua các thời kỳ đấu tranh chống ngoại bang, những cái tên như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chỉ huy vạn quân, cưỡi voi đánh giặc, khiến quân thù bạt vía đã đi vào lịch sử.
“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận phường tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...”...
Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, không kể xiết những tấm gương phụ nữ dũng cảm, kiên trung của dân tộc Việt Nam. Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, dù chưa đủ 18 tuổi, đã dám quăng lựu đạn giết chết và làm bị thương 20 tên giặc. Không khai thác được gì từ người con gái ấy, giặc Pháp đã tử hình cô. Khi đao phủ bắt cô quỳ xuống, người con gái ấy quát lại bọn chúng một câu đã đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”. Câu nói và ý chí của Võ Thị Sáu đã khiến lũ giặc run sợ. Chúng không ngờ trong thân hình mảnh mai ấy lại chứa đựng một ý chí phi thường, bất khuất. Thật vậy, trước giặc ngoại xâm, Võ Thị Sáu cũng như bao thế hệ phụ nữ Việt Nam cũng như cả dân tộc Việt Nam chỉ biết đứng, không biết quỳ!
Nhà lưu niệm và Tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Internet
Nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, sau những ngón đòn tra tấn tàn bạo, bà đã lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi”.
Dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa phong kiến, phụ nữ Việt bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công. Khát vọng giải phóng dân tộc cũng vì thế mà sôi sục trong tâm trí phụ nữ. Những ngày đầu chống Pháp, rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở hơn 300 xã. Ngày 1-5-1930, nữ chí sĩ Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, Tiền Giang, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tiền thân Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam. Và đây chính là lý do ra đời ngày phụ nữ Việt Nam 20-10.
Ngày 20-10 trở thành ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn ngày 20-10 hằng năm làm ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng xem đây là ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam. 86 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Ngày nay, đất nước Việt Nam thanh bình và phát triển, 20-10 còn là dịp để người thân và cả xã hội tặng phụ nữ những bó hoa tươi thắm và những món quà ý nghĩa nhất.
H. An
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065