NHỮNG CHIẾC LÁ CHƯA LÀNH
Thầy Nguyễn Đăng Kiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 phổ cập, Trường THCS Tân Phước cho biết: “Nhiều gia đình ở ấp Năm Đô chỉ làm thuê để sống nên con cái phải trông nhà hoặc đi làm phụ giúp cha mẹ. Vì thế, các em không thể ra trường chính để học, nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Dạy lớp phổ cập, tôi thấy tiếc cho nhiều em như Nguyễn Thị Hồng Thắm, Nguyễn Văn Dinh, Châu Thị Mỹ Ngọc... Nếu có điều kiện tốt, có lẽ tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn nhiều”.
Tìm hiểu về Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 2001), chúng tôi gặp cô bé da trắng, dễ thương, ăn nói dịu dàng và chịu khó học. Suốt 6 năm qua, năm nào Thắm cũng là học sinh khá, giỏi. Thắm nói: “Nhà em nghèo, cha bỏ 3 mẹ con em đi đâu không rõ nên kinh tế chỉ trông chờ vào tiền làm thuê của mẹ. Ngoài giờ học em phải trông em trai 3 tuổi và bà ngoại bị lẫn. Nếu sơ sẩy là bà bỏ đi khỏi nhà. Em rất muốn học lên cao để trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo nơi đây nhưng không dám chắc mẹ có nuôi nổi không”.
Nguyễn Thị Hồng Thắm (trái) phấn đấu học để trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo trong ấp
Khao khát “con chữ”, mong thoát nghèo là tâm trạng của rất nhiều em trong lớp. “Mỗi ngày, ngoài giờ học em cùng mẹ đi cắt cỏ cho bò ăn. Rảnh thì đưa bò đi chăn. Em thích đi học tại trường chính vì đông vui hơn nhưng nhà nghèo, mẹ không có điều kiện” - Nguyễn Văn Dinh (SN 2003) tỏ bày.
Khi chúng tôi hỏi: “Phong có mong muốn giống bạn không?”, Trần Nhật Phong cười hồn nhiên và nói: “Em ở đây cũng được, vừa giúp mẹ cắt cỏ chăn dê lại không gò bó. Em không đặt mục tiêu quá xa, học được đến đâu thì học”. Nhưng điều khiến chúng tôi ấn tượng ở Phong là em đang ấp ủ dự định, nếu mẹ không thể lo cho em học lên đại học thì tốt nghiệp THCS, em sẽ đi học nghề để tự nuôi sống mình và giúp mẹ thoát nghèo.
Có tận mắt chứng kiến một lớp học “lôm nhôm” nhiều độ tuổi, nhiều kiểu ăn mặc từ đồ bộ, quần cộc, áo sờn tua... đến đồ bảo hộ lao động dính đầy mủ cao su mới thấy hết nỗi nhọc nhằn tìm đến “con chữ” của học trò nghèo nơi đây. Đặc biệt hơn khi trong lớp có cả trẻ 3 tuổi, đó là em trai của Đặng Thị Ngọc Diễm. Vì không có người trông nên Diễm phải mang em tới trường.
Vậy mà vẫn chưa hết bất ngờ, khi cả lớp đang yên lặng học bài thì Lâm Thanh Long (1999) người cao lộc ngộc xin vào lớp. Em mặc nguyên bộ quần áo đã sờn rách còn dính đầy mủ cao su lớp cũ chồng lớp mới. Long kể: “Hằng ngày, em dậy từ 3 giờ sáng đi phụ trút mủ rồi mới tranh thủ đến lớp. Mỗi ngày trút mủ, em được trả công 50 ngàn đồng”.
VƯƠN MẦM NƠI ĐẤT CẰN
“Chính sự mộc mạc cùng những khó khăn và vất vả của học trò nghèo đã “tiếp lửa” cho lòng yêu nghề của chúng tôi. Thầy cô động viên nhau nỗ lực từng ngày vượt qua khó khăn để bám lớp, cần mẫn “gieo mầm” ước mơ cho các em” - thầy Nguyễn Anh Tuấn dạy môn Vật lý cho biết.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Chung cho rằng, đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Năm Đô chưa thoát nghèo nên chưa quan tâm tới việc học của con. Các em nhà nghèo, không ham học, trong khi cha mẹ lại sẵn sàng cho con bỏ học khiến việc vận động trẻ ra lớp của trường thêm khó khăn. Chính vì thế, thầy cô phải có kinh nghiệm dạy và tư vấn thật cuốn hút để các em yêu thích đi học, thường xuyên đến lớp. Và thực tế, việc “dụ” các em cũng như phụ huynh không hề đơn giản. Ban giám hiệu đã phải “chọn mặt gửi vàng” vào những giáo viên có thâm niên công tác, yêu thương học trò nghèo, tận tâm với nghề, như thế mới đủ nhiệt thành để vượt khó, bám lớp ở nơi còn nhiều khó khăn này.
Đứng ngoài cửa sổ nhìn các em học bài, chị Ngưu Thị Vui (1985) cho biết: “Mình không biết chữ nên sẽ cố gắng tạo điều kiện cho con học tập”. Nói là tạo điều kiện nhưng chị Vui chỉ đi cạo mủ cao su thuê và có tới 4 đứa con lít nhít, đứa đầu đang học ở đây, không biết chị sẽ lo được đến đâu (!?).
Trưởng ấp Năm Đô Đặng Thanh Hùng nói: “Ban ấp cảm ơn thầy cô đã giúp các cháu nhận thức được sự quan trọng của việc học để tiếp tục đến lớp. Đồng thời ấp sẽ cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ để các cháu có điều kiện theo học đến ngày tốt nghiệp THCS”.
Con đường đến lớp của trẻ em nghèo ở Năm Đô hiện vẫn gập ghềnh khó đi như hạ tầng nơi đây. Tuy nhiên, trái tim yêu nghề, thương trò nghèo của thầy cô và chính tinh thần vượt khó của các em đang tạo nên sức mạnh tinh thần để thầy và trò cùng vượt qua thử thách.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065