Trong lĩnh vực kinh doanh, tùy theo mức độ, rủi ro có thể gây ra những thiệt hại về tài chính và đẩy doanh nghiệp (DN) vào tình trạng khánh kiệt, thậm chí phá sản. Hoạt động kinh doanh nông sản càng chứa đựng nhiều rủi ro hơn do quá trình cung ứng, sản xuất, bảo quản nông sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí và chất lượng biến đổi theo thời gian...
RỦI RO TỪ CÂY ĐIỀU, CAO SU
Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của cây điều, với diện tích 155.760 ha, chiếm khoảng 31,86% tổng diện tích điều cả nước. Nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã chặt điều để trồng cao su. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là giá cao su liên tục tăng cao trong khi điều cho thu nhập thấp, lại liên tục bị thất bát bởi thời tiết. Nhiều hộ trồng điều đã bị thua lỗ hoặc số lãi không tương xứng với công sức bỏ ra. Ngược lại, trên cùng diện tích, cây cao su đã đem lại nguồn thu nhập cao gấp vài lần, thậm chí hàng chục lần số tiền thu hoạch hạt điều. Không những thế, rủi ro về sản lượng điều còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: thời tiết, sâu bệnh, giống xấu. Những ảnh hưởng này làm nguồn cung ứng cho DN trở nên bất ổn, gián đoạn quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu của nhiều DN.
Doanh nghiệp gặp rủi ro nguồn cung do nhiều hộ dân chặt điều trồng cao su
Từ khoảng năm 2006 trở lại đây, số lượng công ty, cơ sở chế biến hạt điều tăng nhanh. Năm 2002, toàn tỉnh chỉ có 33 cơ sở chế biến điều với công suất hơn 25 ngàn tấn/năm thì năm 2010 đã có trên 200 cơ sở vừa và nhỏ, công suất chế biến đạt hơn 135 ngàn tấn/năm, tăng gần 6 lần và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, diện tích, năng suất và sản lượng điều có sự dao động lớn và theo chiều đi xuống. Vì thế, sản xuất, chế biến hạt điều chứa đựng nhiều rủi ro cần được phòng ngừa.
Khoảng 5-7 năm trở lại đây, cây cao su trở nên “thịnh” nhất và hiện đang là thời hoàng kim. Năm 2006, toàn tỉnh mới chỉ có trên 110 ngàn ha thì đến 2010 diện tích cây cao su đã tăng lên gần 160 ngàn ha. Bình quân 1 ha cao su 10 năm đang khai thác cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Sản lượng mủ cao su cũng không ngừng tăng, từ 131.386 tấn năm 2006 lên 187.600 tấn vào năm 2010. Nhưng cao su vẫn chứa đựng rủi ro khi công nghệ chế biến mủ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn rất lạc hậu so với các nước trong khu vực... Điều này làm giảm sự cạnh tranh của sản phẩm, tạo sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh. Do chất lượng chưa đồng đều, nhất là cao su tiểu điền khiến cao su Bình Phước chưa có thương hiệu, chưa tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế. Đây là vấn đề DN Bình Phước cần cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế rủi ro.
LÀM GÌ ĐỂ HẠN CHẾ RỦI RO?
Theo ông Nguyễn Quang Cánh, Phó giám đốc Sở Công thương, Bình Phước hiện chưa đẩy nhanh việc xây dựng các khu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá, nâng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trong quá trình hội nhập. Tỉnh cũng chưa đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản. Trong khi một số sản phẩm sản xuất sạch cho năng suất cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng lại có sức tiêu thụ chậm do giá thành cao nên chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Tiềm năng phát triển các cây nông sản chủ lực như cao su, điều, tiêu và mì rất lớn. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi là gần các trung tâm kinh tế lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ làm tăng thêm tiềm năng phát triển các mặt hàng nông sản ở Bình Phước. Tuy nhiên, với 98% DN vừa và nhỏ, DN trong tỉnh vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế kéo theo những rủi ro. Tại một hội thảo liên quan tới vấn đề cảnh báo rủi ro cho DN, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Habubank Bình Phước Phạm Tuấn Quỳnh cho rằng, DN ở Bình Phước hầu hết chưa có sự tự chủ về tài chính mà phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng thương mại. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng rủi ro cho DN khi thị trường nông sản có những biến động bất lợi.
Trong quá trình hội nhập và phá triển, nhu cầu và giá các mặt hàng nông sản ở Bình Phước càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường quốc tế. Vì vậy, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu thị trường nhằm nắm bắt kịp thời cung - cầu, từ đó dự báo tốt hơn các thay đổi trên thị trường để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp. Việc tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất, người chế biến và xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro từ hoạt động “gây nhiễu” thị trường và chèn ép thương nhân cũng rất cần thiết. Song song đó, việc thay đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến cũng là giải pháp quan trọng giúp DN vượt qua rào cản thương mại, tránh những rủi ro, bất trắc trong kinh doanh hàng nông sản.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065