BP - Từ ngày 3-3-2018, Thông tư số 26/2017/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành. Theo đó, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16 quy định: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Còn tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 nêu rõ: Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
Theo tính toán của các chuyên gia, đây là cách chuẩn bị tốt nhất cho trẻ dưới 15 tuổi cũng như cho kinh tế của các bậc cha mẹ khi con mình bước vào cấp ba và sau đó là bậc đại học. Ai cũng biết, một chiếc thẻ tín dụng mang tên con mình sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị nếu trẻ học được cách trân trọng, gìn giữ và nâng niu những đồng tiền cha mẹ chắt chiu, tiết kiệm dành cho mình. Đây còn là bước tiến trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng của cơ quan quản lý nhà nước theo thông lệ quốc tế. Tóm lại, quy định cho phép trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thực sự phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, kế đến là các sản phẩm dịch vụ được cung cấp bởi ngân hàng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ít, hạn chế về hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống ngân hàng cùng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán... và cuối cùng là công tác tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được quan tâm, định hướng đúng đắn. Những tồn tại này đã ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng thẻ thanh toán của đối tượng là trẻ em.
Ở khía cạnh khác, việc mở thẻ ghi nợ, thẻ trả trước cho trẻ thường chỉ được thực hiện ở những gia đình có kinh tế khá giả. Tuy nhiên phần lớn các bậc cha mẹ mở thẻ cho con chỉ quan tâm đến mục đích sử dụng tiền của con mà ít định hướng, dạy dỗ con về giá trị của đồng tiền nên đa phần các em không hiểu nhiều việc sử dụng tiền, mặc dù đây là kiến thức, kỹ năng bắt buộc mọi người phải có trong cuộc sống hằng ngày.
Để hạn chế rủi ro cho trẻ khi sử dụng thẻ, các ngân hàng cần có những chương trình phổ biến kiến thức cơ bản cho trẻ khi chi tiêu, như trích một phần tiền tiêu vặt dành cho mục đích tiết kiệm ngắn hạn lẫn dài hạn; dành một phần tiền ủng hộ các hoạt động xã hội hay những người kém may mắn; lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu và chỉ chi tiêu trong sự giám sát của gia đình... Đồng thời, hướng dẫn trẻ không truy cập những trang web mua sắm hoặc có nguy cơ tiêu cực cao bởi các em thường tò mò, có thể lên mạng mua hàng, thanh toán qua mạng. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong thông tư và các chủ thể có liên quan cùng phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách quản lý tiền và cho trẻ làm quen với ngân hàng ngay từ khi còn nhỏ cũng như hướng dẫn trẻ cách sử dụng thẻ thanh toán đúng mục đích, như chỉ dùng thanh toán học phí, mua sắm dụng cụ học tập, thanh toán tiền mua hàng tại căn tin trường học...
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065