Giữa tháng 12 năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, hạn chế rủi ro cho phụ nữ trong lao động. Để đạt được mục đích bảo vệ, chống rủi ro, Bộ LĐ-TB&XH đã liệt kê ra 77 nghề phụ nữ không được làm mà không cần biết quy định như vậy thì hàng triệu phụ nữ trên đất nước này sẽ bị mất việc làm và điều này đồng nghĩa với việc chừng đó người có nguy cơ tái nghèo!
Đây chỉ là một trong rất nhiều quy định có phần nhảm, xa rời thực tế của các cơ quan nhà nước cấp trung ương trong thời gian gần đây. Nhưng có lẽ nực cười nhất là quy định của Bộ Y tế về việc cấm người ngực lép, thấp bé nhẹ cân đi xe máy trên 55cc; quy định chỉ “kính thưa”... một người trong các cuộc họp, hội nghị; quy định người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải có giấy xác nhận sức khỏe, phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Gần đây nhất, Tổng cục Dân số lại vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính, trong đó có nội dung hỗ trợ tiền cho những gia đình chỉ sinh con một bề là gái!... Mà không chỉ có các bộ, ngành, rất nhiều quy định của Chính phủ cũng bất khả thi, như quy định cấm đốt hàng mã ở nơi công cộng (Nghị định số 75/2010); Không để ô kính trên nắp quan tài (Nghị định số 105/2012); Không được tặng quà, cài nơ, hoa tại các buổi lễ, dịp kỷ niệm (Nghị định 145/2013)...
Vì sao lại có quá nhiều quy định tréo ngoe, xa rời thực tế, thậm chí vi phạm quyền công dân như vậy? Là bởi nhiều cơ quan nhà nước đang làm luật theo hướng quản lý người dân thật chặt, ép người dân phải thực hiện theo ý kiến chủ quan của mình với phương châm “không quản được thì cấm”. Chẳng hạn, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông thì một số cơ quan chức năng đã đưa ra “sáng kiến” cấm xe mang biển số các tỉnh khác vào Hà Nội, mỗi người có hộ khẩu Hà Nội chỉ được đăng ký một chiếc xe máy hay xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “luật trên trời”, trong đó đáng lưu ý nhất là do công tác làm luật của Quốc hội hiện nay. Thường mỗi kỳ họp, Quốc hội thông qua khá nhiều luật, nhưng các luật này mới chỉ là luật khung, luật nguyên tắc, cần phải có quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khi luật đã có hiệu lực. Hiện có nhiều luật phải chờ hàng chục văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng phải chờ 13 văn bản, hướng dẫn; Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực từ ngày 1-9-2009 nhưng phải chờ 9 văn bản hướng dẫn...
Cần khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì thế, cái gì có lợi cho dân thì làm, đừng vì dự án, viện trợ này nọ mà ngồi vẽ ra các quy định, không chỉ gây phiền hà cho dân mà còn gây tốn kém công quỹ quốc gia.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065