BP - Việc hình thành hệ thống quan điểm của Đảng trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó sẽ là những tư tưởng chỉ đạo với hoạt động cụ thể trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, ngoại giao... Nhưng để hình thành một hệ thống quan điểm hoàn chỉnh, đòi hỏi có sự tổng kết thực tiễn trên lĩnh vực này của các cấp, ngành. Trước mắt, căn cứ vào những tài liệu hiện có (văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước), có thể khái quát thành một hệ thống quan điểm cơ bản sau:
Kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người
Trong quá trình hình thành và phát triển, quyền con người là sản phẩm của sự thống nhất của tính phổ biến và tính đặc thù. Vì vậy, muốn nhận thức và giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn cụ thể về quyền con người cần quán triệt quan điểm kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người. Tính phổ biến của quyền con người là thuộc tính, theo đó quyền con người bao hàm những nguyên tắc, những quyền được áp dụng phổ biến ở khắp nơi, cho mọi đối tượng. Còn tính đặc thù của quyền con người là thuộc tính, theo đó cho phép quyền con người ở mỗi quốc gia, mỗi lãnh thổ do trình độ phát triển kinh tế - xã hội và truyền thống dân tộc khác nhau mà có những đặc trưng riêng, có mức độ thỏa mãn riêng phù hợp với điều kiện quốc gia, lãnh thổ đó.
Vì vậy, trong quá trình giải quyết thực tiễn về quyền con người nhất thiết phải tuân theo sự thống nhất giữa tính phổ biến và tính đặc thù đó, không thể đối lập tính phổ biến với tính đặc thù và ngược lại. Tuyệt đối hóa cái riêng trong nhận thức về quyền con người sẽ không thể tiếp thu được những giá trị phổ biến vốn có trong lịch sử và sẽ là yếu tố làm cản trở quá trình hòa nhập quốc tế về quyền con người. Ngược lại, tuyệt đối hóa cái chung, không tính đến trình độ phát triển kinh tế và xã hội khác nhau ở mỗi quốc gia, dễ rơi vào tình trạng áp đặt, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia. Trong bối cảnh thế giới hiện đại, quan điểm kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù còn là cơ sở phương pháp luận khoa học để nhận thức và giải quyết đúng các vấn đề cụ thể về quyền con người trong quan hệ quốc gia và quốc tế. Đó là quan điểm cơ bản vừa bảo đảm “hòa nhập” mà “không hòa tan” trên lĩnh vực nhân quyền.
Quyền con người có tính giai cấp
Con người sinh ra vốn dĩ đã có quyền, quyền đó tồn tại dưới dạng những nhu cầu bức thiết, những yêu sách hợp lý. Nhưng, để trở thành quyền thực sự cần đến yếu tố pháp luật thiết định. Pháp luật, như chúng ta đều biết, là pháp luật của các chế độ chính trị khác nhau, nội dung của nó được ghi nhận trong khuôn khổ đảm bảo trước hết lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Do vậy, quyền con người mang tính chất giai cấp sâu sắc. Mặt khác, lịch sử nhân loại là một dòng chảy liên tục, có sự kế thừa lẫn nhau về tri thức và kinh nghiệm giữa các giai đoạn phát triển xã hội. Quyền con người là một giá trị được tích lũy trong quá trình cải tạo tự nhiên và xã hội, nó có được nội dung phong phú như ngày nay là thành quả đấu tranh lâu dài, bền bỉ của nhân loại. Do vậy, đấu tranh bảo vệ quyền con người không chỉ thông qua cải tạo xã hội mà còn thông qua cải tạo tự nhiên, bảo vệ môi trường sống. Chính trong cuộc đấu tranh phức tạp ấy, chúng ta có thể thấy sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính người trong mỗi con người và mỗi thế hệ người. Đối với sự nghiệp cách mạng vô sản, ngay từ đầu, Các Mác cũng đã chỉ ra sự thống nhất đó, “giai cấp vô sản không tự giải phóng mình được nếu không giải phóng nhân loại”. Và kết quả của sự giải phóng ấy tức là đem lại một hệ thống quyền mới mang tính giai cấp sâu sắc, đồng thời bản thân chúng cũng là những giá trị nhân loại, đó là quan điểm cần được quán triệt trong quá trình đổi mới ở nước ta.
Quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất
Ở Việt Nam, do truyền thống cộng đồng, truyền thống dựng nước và giữ nước cũng như kinh nghiệm cách mạng Việt Nam cho thấy, những “vong quốc nô” thì không thể có quyền con người. Nói cách khác, nước Việt Nam có độc lập thì dân tộc Việt Nam mới có tự do. Thực tế ở Việt Nam, quá trình giải quyết vấn đề quyền con người là thông qua quá trình giải phóng dân tộc, quyền con người chỉ có trong độc lập dân tộc. Ở đây, không thể có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, chỉ có sự thống nhất giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Nhờ vậy, trong quá trình giải phóng dân tộc giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam, những người dân mất nước đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước và xã hội, bảo đảm được quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa. Kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Trên thực tế, ở Việt Nam dưới ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, quyền con người, quyền công dân được mở rộng ngay từ khi sự nghiệp giải phóng dân tộc giành thắng lợi, quyền con người, quyền công dân được xác định trên phạm vi rộng lớn cho các tầng lớp nhân dân đã tham gia vào quá trình giải phóng dân tộc. Hơn nữa, cho cả những người đã cộng tác với đối phương có quyền tham gia sinh hoạt chính trị nếu họ cải tạo tốt. Và khi Hiến pháp xác định quyền, đồng thời cũng xác định nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội “quyền công dân đi đôi với nghĩa vụ của công dân”. Vì vậy, việc giải quyết nhu cầu của mỗi cá nhân chỉ có thể là đúng khi đặt nó trong quan hệ với người khác, với dân tộc, bởi vì “chỉ trong cộng đồng thì mỗi cá nhân, mới có những phương tiện để phát triển toàn diện những năng khiếu của mình, chỉ trong cộng đồng thì mới có thể có cá nhân tự do” (Các Mác).
Quyền con người phụ thuộc vào sự phát triển và truyền thống dân tộc
Quyền con người là nhu cầu vốn có của con người, nhưng trạng thái thực hiện và mức độ thỏa mãn lại phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và truyền thống dân tộc của mỗi quốc gia. Quyền con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, rằng: “Việc thực hiện quyền tự do của con người tùy thuộc vào lực lượng sản xuất và trong phạm vi cho phép của lực lượng sản xuất, chứ không phải tùy thuộc ở điều người ta mong muốn” (Các Mác). Tuy nhiên, việc thực hiện quyền con người tốt hay xấu, rộng hay hẹp còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như bản chất của chế độ xã hội, vai trò của Nhà nước và các thể chế chính trị, ý thức dân chủ và sự trưởng thành của cá nhân và cộng đồng.
“Quyền không thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế” là định hướng quan trọng cho việc giải quyết đúng đắn vấn đề quyền con người trong đời sống hiện thực, vừa tránh được chủ quan duy ý chí trong xây dựng pháp luật vừa tránh được tình trạng lạc hậu của pháp luật so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều quyền, trong đó có cả quyền “đi học không mất tiền”, “chữa bệnh không mất tiền”. Đó là những quy định đúng với bản chất của chế độ ta, nhưng do trình độ kinh tế thấp nên pháp luật đã không đi vào cuộc sống được.
Về văn hóa, dân trí là điều quan trọng để xác lập và thực hiện quyền con người. Điều này đòi hỏi con người có sự hiểu biết nhất định về dân chủ, pháp luật và ý thức về quyền của công dân mới có thể đảm bảo thực hiện quyền trong thực tế. Bởi quyền của con người là kết quả do đấu tranh mới giành được, chứ không thể là sự ban ơn, bố thí của bất kỳ ai. Như vậy, pháp luật quy định quyền con người, quyền công dân phải gắn và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử, đồng thời quá trình xây dựng pháp luật về quyền con người, quyền công dân phải giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Cụ thể, do truyền thống cộng đồng Việt mà Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã quy định: Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những người công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ” (Điều 64). Đây là điều hiếm thấy trong hiến pháp của các nước phương Tây.
Từ nhận thức nêu trên, chúng ta không chấp nhận sự áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền của nước này cho nước khác và “dứt khoát bác bỏ mọi mưu toan lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm gây rối về chính trị, chống phá chế độ hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta”.
Quyền con người, quyền công dân phải được chế độ pháp luật bảo vệ
Đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người, quyền công dân được thực hiện. Khi trở thành quyền pháp định, quyền con người, quyền công dân là ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội phục tùng, được quyền lực nhà nước bảo vệ. Quyền con người, quyền công dân khi được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận trở thành độc lập đối với bất kỳ quyền uy nào, kể cả các cơ quan, viên chức nhà nước cao nhất. Hiện nay, ở mọi quốc gia trên thế giới, tuy mức độ và hình thức ghi nhận khác nhau, nhưng hiến pháp các nước đều có chế định về địa vị pháp lý của công dân.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 1946 ghi nhận và sau đó được tiếp tục củng cố, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Hiện nay, trên lĩnh vực pháp luật bảo vệ quyền con người, Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Lao động, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Báo chí, Pháp lệnh về tổ chức luật sư, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, Pháp lệnh xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam... Có thể khẳng định rằng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện nay đã thể hiện đầy đủ các quyền cơ bản, phổ biến của con người.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng ta chủ trương “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam”, đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quản lý xã hội bằng pháp luật, chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi quyền con người, quyền công dân theo đà phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vũ Lương
Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065