VIỆC ĐẦU TIÊN LÀ LUÔN GẦN DÂN
Đó là quan điểm của chị Nguyễn Thị Kim Duyên (1985), khi gánh trên vai cương vị phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội ở xã biên giới Lộc Tấn (Lộc Ninh). Gặp chị Duyên, ai cũng ấn tượng bởi một phụ nữ nhỏ nhắn, bình dị và có nụ cười thân thiện. Từng có thời gian thực tập ở xã Lộc Tấn vào năm 2004, nên sau tốt nghiệp Trường trung cấp Văn thư - lưu trữ Trung ương 2, chị được UBND xã nhận vào làm việc với vị trí văn thư - lưu trữ. Sau một thời gian, chị chuyển sang bộ phận văn phòng - thống kê.
Chị Duyên cho biết: “HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, tôi được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã. Lúc đó, tôi mới 26 tuổi. Nhận nhiệm vụ mới, ban đầu tôi rất bỡ ngỡ và lo ngại vì nhiệm vụ này đòi hỏi phải có kinh nghiệm”.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Duyên (giữa) tặng giấy khen cho giáo viên giỏi xã Lộc Tấn năm 2014
Theo chị, để gây dựng lòng tin với nhân dân thì “việc đầu tiên là phải gần dân, sát dân”. Để khắc phục điểm yếu của bản thân, chị tranh thủ đi cơ sở dù đường sá mùa mưa lầy lội hay mùa nắng nóng để nắm bắt tình hình, ngay cả khi đang mang bầu những tháng cuối chị vẫn ráng. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ khi nhiều việc đến cùng một lúc, chị Duyên chia sẻ: “được bầu Phó chủ tịch khoảng 3 tháng, tôi nghỉ chế độ thai sản. Cuối năm 2011, sinh con mới được 25 ngày, tôi phải quay lại trường để tiếp tục theo học lớp đại học hành chính ở Trường chính trị tỉnh. Cùng lúc này, liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số của xã lần thứ II được tổ chức, rồi vai trò là Bí thư chi bộ ấp 12 và công việc kiêm nhiệm khác khiến tôi không thể an tâm nghỉ dưỡng. Nhận công việc mới mà chưa làm được gì, lại nghỉ chế độ như vậy khiến tôi rất ngại. Khi quay trở lại công việc, điều tôi quyết tâm là phải làm nhiều việc để mọi người nhìn thấy năng lực của tôi và tin tưởng việc tôi đang và sẽ làm”.
Lộc Tấn là xã biên giới, rất đông thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, các hoạt động văn hóa - văn nghệ được quan tâm và đạt những thành tích ở huyện, tỉnh như: giải nhất cấp huyện năm 2014 hội trại “Hoa hồng nhỏ”; UBND tỉnh tặng bằng khen các cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ, giải bóng đá U14 cấp huyện... nhưng với chị vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Hiện xã còn 200 đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài chính sách được hưởng từ Nhà nước, cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn. Trong năm 2015, tôi và lãnh đạo xã sẽ tiếp tục vận động mạnh thường quân tổ chức hoạt động từ thiện, giúp họ vươn lên” - chị Duyên cho biết.
Dù khối lượng công việc ở cơ quan nhiều, gia đình còn khó khăn nhưng chị Duyên vẫn tranh thủ đến các khu dân cư. Ở đó, chị được nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo xã chỉ đạo xác đáng, phù hợp với tình hình thực tế. Không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc ở UBND xã mà tập thể chi bộ ấp 12 do chị làm bí thư cũng được cấp ủy cấp trên đánh giá cao.
ĐÃ NHẬN PHẢI HOÀN THÀNH TỐT
Minh Lập là xã loại 2 trong phân cấp hành chính. Vì thế chỉ có một phó chủ tịch phụ trách chung thay vì một phó chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và một phụ trách kinh tế như các xã khác. Thế nhưng nữ Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Minh Tiền (1985) năng động đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Với người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Minh Lập, có lẽ không ai còn xa lạ với hình ảnh nữ phó chủ tịch UBND xã luôn lăn xả, cùng chơi cùng hoạt động với các phong trào.
Từ năm 2005 đến 2010, chị là cán bộ văn phòng của UBND xã Minh Lập. 5 năm kinh nghiệm trong công tác tham mưu và quen các thủ tục hành chính nên khi được bầu làm phó chủ tịch UBND xã, chị luôn năng động trong công việc. Nguyên tắc trong công việc của chị là: “Không làm được thì đừng nhận, đã nhận thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trưởng trạm y tế xã Hà Quang Tùng đến làm việc với Phó chủ tịch Nguyễn Thị Minh Tiền về việc phát mùng, mền cho người dân xã Minh Lập ngày 9-3-2015
Chị Tiền cho biết: Để thay đổi diện mạo của xã thì trước hết cần nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2014, trung tâm học tập cộng đồng do chị phụ trách đã mở được nhiều lớp về biến đổi khí hậu, chăm sóc trẻ em, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, đào tạo nghề... góp phần nâng cao trình độ cho người dân. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 44 hộ/132 người, chiếm 2,23% số dân.
Minh Lập là xã điểm của huyện Chơn Thành trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2. Để hoàn thành các tiêu chí, UBND xã đã chia 3 tổ để phụ trách từng mảng. Chị Tiền phụ trách tổ 3, tức mảng văn hóa - xã hội, gồm trường học, y tế, giảm nghèo... Để có thể đưa các tiêu chí mình phụ trách về đích nhanh chóng, chị cho biết: “Vấn đề quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay là tình trạng học sinh bỏ học có nguy cơ quay trở lại. Vì sau tết nhiều em nghỉ ở nhà đi lượm điều hoặc cạo mủ cao su. Toàn xã Minh Lập hiện có 5 sân bóng đá mini; 6/7 nhà văn hóa cộng đồng ấp. Nhà văn hóa có nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Rồi hệ thống cơ sở vật chất ở các trường học cũng còn thiếu. Vì thế, việc thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời kiến nghị cấp trên và các ngành liên quan đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất trường học để thu hút các em đến trường là trách nhiệm của chúng tôi”.
Đ.Hương - T.Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065