BP - Không khí xuân đã len lỏi vào từng ngõ xóm, dòng người hối hả ngược xuôi sắm tết. Ai đi xa, nay có dịp về quê không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay nhanh chóng, đường làng, ngõ xóm khang trang là nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Thành tựu chung đó được tạo nên từ những con người thật, việc thật, như anh Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 4, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) bỏ tiền làm đèn đường; ông Điểu Phách ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn (Bù Đăng) hiến đất cho hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết... Họ là những tấm gương sáng trong phong trào “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.
NGƯỜI NGHÈO HIẾN ĐẤT GIÚP NGƯỜI NGHÈO
Xuân này, hộ anh Y Tơi Ê Ban và ông Điểu Lam ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn có niềm vui trọn vẹn hơn vì được ở trong căn nhà khang trang. Niềm vui này có sự góp sức của ông Điểu Phách (77 tuổi) ở cùng thôn, người đã hiến 2 lô đất để xây nhà đại đoàn kết, giúp 2 hộ nghèo thực hiện ước mơ có nhà ở ổn định.
Vợ chồng ông Điểu Phách tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình thương được Nhà nước xây tặng từ năm 2002, các bức tường đã ngả màu khói bếp, trong nhà không nhiều đồ dùng giá trị nhưng bày trí gọn gàng, sạch sẽ. Trước đây còn khỏe, vợ chồng ông Phách chăm chỉ làm ăn nên mua được 3 ha rẫy, sau này 8 người con lập gia đình, ông bà chia cho mỗi người một ít xây nhà và chỉ giữ lại 1 ha để dưỡng già. 5 năm nay, bệnh thận trở nặng khiến sức khỏe ông Phách suy kiệt, chân phải lại bị tật nên mọi sinh hoạt, đi lại đều phụ thuộc vào chiếc nạng gỗ. Bà Thị Kép, vợ ông Phách bị tai biến đã 4 năm, chỉ làm được việc nhẹ trong nhà. Do mất sức lao động nên ông bà được xét diện hộ cận nghèo của xã.
Vợ chồng ông Điểu Phách ở trong ngôi nhà tình thương, kinh tế khó khăn nhưng vẫn hiến 2 lô đất tặng 2 hộ nghèo xây nhà
“1 ha đất của gia đình sát trục đường chính của thôn, trước đây tôi trồng lúa, 10 năm nay trồng điều, tiền thu hoạch điều mỗi năm vợ chồng già dùng sinh hoạt và để dành chữa bệnh. Biết hoàn cảnh của 2 hộ Y Tơi Ê Ban và Điểu Lam khó khăn về nhà ở, lại không có đất, tôi quyết định làm thủ tục tặng mỗi hộ một phần đất 150m2 để xã xây nhà đại đoàn kết, giúp các hộ có chỗ ở ổn định” - ông Điểu Phách chia sẻ.
Gia đình anh Y Tơi Ê Ban và ông Điểu Lam từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về Phú Sơn sinh sống nhiều năm, nhưng không có đất sản xuất, không có nhà, phải mượn đất của người dân trong thôn dựng nhà tạm. Với tấm lòng vàng của gia đình ông Điểu Phách cùng số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ từ chương trình “Nghĩa tình Sông Bé yêu thương”, các hộ phụ thêm để xây căn nhà khang trang hơn. Anh Y Tơi Ê Ban xúc động: “Được tự tay hoàn thiện những công đoạn cuối, chuẩn bị dọn về nhà mới, bụng mình vui lắm! Mấy đứa nhỏ cứ chạy khắp xóm khoe sắp được ở nhà xây, không phải lo nhà dột mỗi khi trời mưa. Cuộc đời mình chưa bao giờ mơ sẽ được ở trong căn nhà xây kiên cố như vậy. Giờ có nhà ở ổn định mình sẽ cố gắng làm ăn, lo cho 3 đứa con được học chữ”.
Ông Phách nói: “Mấy hôm nay, nhiều người đến đây hỏi thăm, mình thấy phấn khởi vì vừa làm được việc tốt cho xã hội. Các hộ thiếu đất xây nhà, gia đình mình có thì cho thôi, chứ không phải để lên báo, lấy bằng khen đâu!”. Hỏi ông có tiếc khi cho 2 lô đất nếu bán lấy tiền sẽ giúp ông bà bớt phần khó khăn, ông Phách cười xòa: “Mình bán mảnh đất đó cũng được, nhưng có tiền rồi cũng sẽ tiêu hết, cho người nghèo lúc họ đang cần giúp đỡ quý hơn mọi vật chất!”.
Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Cao Ngọc Quang chia sẻ: “Quỹ đất của địa phương hạn chế, việc ông Điểu Phách hiến đất giúp xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí nhà ở và hộ nghèo trong xây dựng NTM. Đối với những hộ nghèo vừa được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, niềm hân hoan, vui mừng như được nhân lên gấp bội bởi xuân này, họ được đón tết trong những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình. Thường thì có của ăn của để người ta mới san sẻ, đằng này người nghèo lại hiến đất cho người nghèo, thật đáng quý!”.
BỎ TIỀN TÚI KÉO ĐÈN ĐƯỜNG
Không phải đi đâu xa để trải nghiệm vùng quê đáng sống. Về ấp 4, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) những ngày cuối năm, chạy xe dọc các tuyến đường liên ấp, người khách lạ như tôi cũng cảm thấy khoan khoái vì được hít thở bầu không khí trong lành buổi sớm nơi đây. Đường bê tông khang trang, sạch sẽ; hai bên bóng điện chiếu sáng trổ ra, hoa cỏ lạc vàng ươm nở rộ còn vương sương sớm; cây cối đâm chồi, nảy lộc; trẻ em ríu rít đạp xe tới trường... Tất cả tạo nên khung cảnh yên bình, tràn đầy sức sống.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (thứ 2 từ trái qua) và người dân trong ấp vui mừng vì từ khi có đèn đường chiếu sáng, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống tinh thần nâng lên
Cùng với phong trào xây dựng NTM, có thêm nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ nên người dân xã Đồng Nơ mạnh dạn hiến đất, góp của, góp công làm đường. Ấp 4 có 83 hộ sinh sống, đa số từ miền Trung vào lập nghiệp, khi đường NTM trải thảm bê tông, hạ thế đường điện, các hộ dân hai bên đường đều tự nguyện chặt cao su, điều để tạo hành lang an toàn. Năm 2016, tuyến đường bê tông vào ấp 4 hoàn thành, thế nhưng niềm vui của người dân nơi đây chưa trọn vẹn vì đường mới nhưng không có điện chiếu sáng để mỗi sớm mai người già đi thể dục, tối đến trẻ em nô đùa. Với suy nghĩ “không đợi giàu mới làm từ thiện”, nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Văn Ngọc tự nguyện trích ra một phần lợi nhuận sau mỗi vụ thu hoạch nông sản để mua trụ, bóng đèn, đồng hồ điện kéo 4km đèn đường chạy dọc ấp 4. Có điện chiếu sáng, người dân sống hai bên đường tự nguyện bỏ công trồng hoa, phân công quét dọn hằng ngày giữ cho tuyến đường luôn sạch, đẹp.
Ấp mình sáng nhưng ấp 5 bên cạnh đi lại khó khăn vì chưa có đèn đường, anh Ngọc lại tiếp tục đầu tư mua vật dụng làm 3km đèn đường qua ấp 5. Nhìn hàng bóng đèn chạy dọc các ấp trổ ra hai bên đường sáng choang ai nấy đều vui. Không nói về số tiền đã bỏ ra vì anh Ngọc nghĩ mình làm vì lợi ích chung, trong đó có nhà mình hưởng lợi, đi đâu mà thiệt. “Sắp tới tôi sẽ đầu tư tiếp các tuyến đường của các ấp khác để nối dài những con đường sáng, góp thêm niềm vui trên tuyến đường NTM” - anh Ngọc chia sẻ.
Bà Hồ Thị Hạnh, người dân ấp 4 phấn khởi: “Có đèn chiếu sáng, hai bên đường cổng nhà nào nhà nấy trồng hoa, lối đi xanh và sạch hơn nên ai cũng ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Vào dịp lễ, tết, người dân còn chủ động dọn dẹp cảnh quan ven đường, vừa mang lại diện mạo mới cho ấp vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và đẩy lùi tệ nạn xã hội”.
Chia tay ông Điểu Phách, anh Ngọc trong làn gió xuân mát rượi, tôi cảm nhận được, NTM đã mang về Bình Phước một luồng sinh khí mới, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Bởi trong năm 2018, tỉnh có thêm 9 xã về đích NTM, trong đó có phần đóng góp của những người “tiếp lửa” phong trào, như ông Phách, anh Ngọc. Ở mỗi nơi, mỗi địa phương có cách làm NTM khác nhau, nhưng đích đến là sự văn minh, ấm no, bình yên... mà người đóng góp và hưởng lợi trực tiếp chính là nhân dân.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065