BPO - Cuối năm 1972, tình hình khắp chiến trường miền Nam Việt Nam và tại Hội nghị Pari diễn biến rất phức tạp. Mỹ chủ trương dùng sức mạnh quân sự để cải thiện tình hình chiến trường và gây sức ép với ta tại hội nghị Pari. Cụ thể, chúng đã mở chiến dịch Linebacker-II, sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 và 1.000 máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc. Nhưng quân và dân miền Bắc đã làm nên điều thần kỳ bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống nhiều giặc lái, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 vừa có những nét chung của chiến dịch trên không; song nó chứa đựng những nét rất độc đáo mà chỉ có nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật phòng không - không quân (PK-KQ) nói riêng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo đặc biệt của Đảng, Bác Hồ mới sáng tạo ra những nét độc đáo đó để góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch.
Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972. Ảnh tư liệu |
Một là: Độc đáo về tạo lập thế trận
Trong quá trình xây dựng kế hoạch đánh máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội, điều trăn trở nhất của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân chủng PK-KQ là giải quyết mâu thuẫn giữa “nguyên tắc” tác chiến và “yêu cầu” tác chiến. Nguyên tắc tác chiến khi bảo vệ mục tiêu yếu địa là phải đánh được địch trước khi chúng cắt bom, bảo vệ an toàn cho mục tiêu. Còn yêu cầu tác chiến là phải bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, đó là lợi thế tuyệt đối để ta đàm phán với địch ở hội nghị Pari.
Vấn đề là máy bay B-52 khi đánh phá thường cắt bom ở cự ly khoảng 10km. Trong khi số lượng các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội của ta có hạn (chỉ có 3 trung đoàn), để đánh được địch trước khi cắt bom, thì ta phải bố trí tên lửa ra xa mục tiêu bảo vệ. Như vậy, số lượng các đơn vị tên lửa cùng bắn được vào một mục tiêu sẽ ít, không bảo đảm chắc chắn bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, nghĩa là không đáp ứng được yêu cầu tác chiến. Ngược lại, muốn bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, thì phải bắn tập trung. Muốn vậy, tên lửa phải bố trí vào vòng trong, đồng nghĩa với bắn máy bay khi đã cắt bom.
Để giải quyết mâu thuẫn này, Đảng uỷ, BTL Quân chủng đã đặt yêu cầu tác chiến lên trên - quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, để buộc đối phương phải dừng ném bom.
Thực hiện quyết tâm trên, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa (LLTL) vào vòng trong để thực hiện “Binh khí tập trung, hoả lực tập trung” trên hướng chủ yếu, hướng quan trọng. Với cách bố trí đội hình chiến đấu như vậy, mặc dù LLTL chỉ bằng 1/3 so với Chiến dịch Phòng không (CDPK) bảo vệ Hà Nội năm 1967, nhưng sức mạnh đã nhân lên gấp bội. Đây là nét rất độc đáo và sáng tạo thế trận đánh máy bay B-52 trong CDPK Hà Nội-Hải Phòng năm 1972. Kết quả là: ngay trong đêm mở màn chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 3 máy bay B-52, đêm 20 bắn rơi tiếp 7 máy bay B-52.
Như vậy, với thế trận chiến đấu của LLTL phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1972, đã tạo ra cách đánh hay, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch. Thế trận trong CDPK Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 sau này được gọi là thế trận đánh B-52.
Hai là: Độc đáo trong sử dụng lực lượng
Thực hiện lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh phải đánh cho Mỹ thua ngay trên bầu trời Hà Nội. Tức là, phải bắn rơi máy bay B-52 tại Hà Nội. Nhưng, từ thực tế lúc này, LLTL bảo vệ Hà Nội chỉ có 3 trung đoàn. Do vậy, BTL Quân chủng đã quyết định: Tên lửa chỉ sử dụng đánh máy bay B-52. Sử dụng lực lượng pháo phòng không bảo vệ tên lửa và đánh các loại máy bay khác. Với quyết định này, chúng ta đã tập trung được sức mạnh, vũ khí hiện đại, hoả lực mạnh nhất cho tiêu diệt đối tượng chủ yếu là máy bay B-52.
Ba là: Độc đáo trong chuyển hoá đội hình chiến đấu
Sau những ngày đầu bị tổn thất quá nặng nề, địch không thể chịu đựng nổi, buộc chúng phải thực hiện thủ đoạn đánh phá mới. Từ đêm 21, địch ngừng đánh Hà Nội, mỗi đêm chúng chỉ sử dụng khoảng 30 lần chiếc máy bay B-52 đánh ở vòng ngoài: Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các vùng phụ cận Hà Nội. Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định: Sở dĩ máy bay B-52 đánh giãn ra vòng ngoài là nhằm tránh tổn thất và kéo LLTL của ta ra xa rồi bất ngờ sử dụng lực lượng lớn vào đánh Hà Nội.
Tương kế, tựu kế, ta đã quyết tâm giữ vững thế trận đã có, tiếp tục điều LLTL tăng cường cho vòng trong. Đây là một quyết định rất sáng suốt của Đảng uỷ, BTL Quân chủng. Đến tối ngày 25 tháng 12, LLTL bảo vệ Hà Nội đã lên tới 13 tiểu đoàn hoả lực (tăng 1,7 lần so với giai đoạn I của chiến dịch).
Đúng như dự đoán, từ 21 giờ 49 phút đến 23 giờ 12 phút đêm 26 tháng 12, địch đã sử dụng tới 105 lần chiếc máy bay B-52, 90 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức đánh dồn dập đồng thời vào cả ba khu vực mục tiêu Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đã sử dụng 66 lần chiếc máy bay B-52 và 70 lần chiếc máy bay chiến thuật tiến công từ ba hướng: Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam. Do có sự chuyển hoá thế trận độc đáo là tăng cường lực lượng cho vòng trong, nên ta đã bắn rơi 8 máy bay B-52 và hàng chục máy bay chiến thuật. Trận đánh này thực sự là trận then chốt quyết định của chiến dịch. Đêm ngày 27, bộ đội tên lửa lại bắn rơi 4 máy bay B-52.
Như vậy, với việc kịp thời chuyển hoá đội hình chiến đấu một cách khoa học nhưng rất linh hoạt, độc đáo đã tạo ra cách đánh hay, phát huy được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng trong chiến dịch.
Bốn là: Độc đáo trong cơ động lực lượng tên lửa vòng trong
Một trong những nguyên tắc của bộ đội phòng không là sau mỗi trận chiến đấu khi trận địa đã bị lộ, thì phải tiến hành cơ động để tránh bị đối phương tiến công. Nhưng trong CDPK Hà Nội-Hải Phòng năm 1972, do tất cả LLTL đều bố trí ở vòng trong, các trận địa tên lửa ở vòng trong đều kín nên không có trận địa dự bị để cơ động đến trận địa mới. Vì thế, sau mỗi trận đánh, các đơn vị thu hồi khí tài kéo từng xe, bệ, đạn sơ tán trong dân. Cho nên, khi máy bay trinh sát, máy bay chiến thuật của địch đến đánh phá thì không phát hiện được tên lửa. Nhưng tối đến, ta lại kéo tên lửa ra triển khai tiếp tục chiến đấu. Đây lại là một nét độc đáo về nghệ thuật cơ động vòng trong của LLTL trong CDPK Hà Nội-Hải Phòng năm 1972.
Nghiên cứu các chiến dịch tiến công hoả lực đường không và các chiến dịch phòng không trên thế giới ta thấy: Chiến dịch Linebacker-II năm 1972 nơi Mỹ tập trung sự nỗ lực cao nhất, sử dụng vũ khí hiện đại nhất với số lượng máy bay bom đạn nhiều nhất, diễn ra trong thời gian ngắn để rồi nhận sự thất bại thảm hại nhất, đó cũng là một nét độc đáo của một chiến dịch tiến công hoả lực đường không trên thế giới. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đánh bại uy thế không lực Hoa Kỳ năm 1972, là chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, nhất định dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ còn làm nên nhiều chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065