Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, năm Ngọ là một trong những năm có nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Những mốc son ấy chẳng những sẽ mãi mãi không bị phai mờ, mà còn tô đậm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc. Nhân dịp xuân Giáp Ngọ - 2014, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những năm Ngọ không bao giờ quên đối với mỗi người dân nước Việt.
Năm Canh Ngọ - 550: Nghĩa quân do Triệu Quang Phục - Triệu Việt Vương hay Dạ Trạch Vương lãnh đạo đã đánh thắng quân xâm lược nhà Lương và giết chết tướng giặc Dương Sàn tại đầm Dạ Trạch (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Chiến thắng của nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Triệu Quang Phục đã giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân.
Năm Bính Ngọ - 776: Bắt đầu cuộc khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Đường do Phùng Hưng lãnh đạo. Ban đầu, nghĩa quân do Phùng Hưng lãnh đạo đã làm chủ đất Đường Lâm, sau đó tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng. Năm 791, Phùng Hưng kéo quân về vây đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), tướng giặc Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ và cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và đứng ra trông coi chính sự đất nước.
Năm Nhâm Ngọ - 982: Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, quân dân nước Đại Cồ Việt đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống vào năm 981. Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Lê Hoàn tức giận và sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận. Sau chiến thắng này, Lê Hoàn không chỉ bảo vệ vững chắc miền biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình Nam tiến người Việt, mở rộng thêm cương giới lãnh thổ của quốc gia.
Năm Giáp Ngọ - 1054: Sau 44 năm dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhà Lý đã đổi tên nước ta từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Điều này cho thấy rõ niềm tự hào dân tộc và khẳng định nước Đại Việt là quốc gia ngang hàng với các nước khác của triều đình nhà Lý thời ấy.
Năm Mậu Ngọ - 1078: Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt đã giành đại thắng trên sông Như Nguyệt. Và cũng trong trận chiến này, bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta đã ra đời.
Năm Mậu Ngọ - 1258: Quân và dân Đại Việt đã chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, quét sạch 30 vạn quân xâm lược ra khỏi đất nước. Sau chiến thắng này, nhà nước Đại Việt dưới sự trị vì của các vua Trần bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến ở nước ta.
Năm Nhâm Ngọ - 1282: Nhà Trần mở Hội nghị Diên Hồng ở bến Bình Than, để bàn kế sách chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Cũng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai này, Trần Hưng Đạo đã có câu nói nổi tiếng với vua nhà Trần rằng: Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng.
Năm Bính Ngọ - 1426: Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, một chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh (1418 - 1428) do Lê Lợi lãnh đạo. Đây là trận quyết chiến, một trong những thắng lợi quyết định toàn cục của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trận đánh này đánh dấu bước chuyển quan trọng về thế của nghĩa quân: từ phòng ngự bị động sang chủ động tiến công lực lượng chủ lực của quân Minh, đồng thời buộc quân Minh phải rút về cố thủ và chấp nhận đàm phán.
Năm Mậu Ngọ - 1558: Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim được phong là Đoan quận công. Cũng năm này, ông dâng sớ xin triều đình vua Lê - chúa Trịnh cho vào trấn thủ ở vùng đất Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay). Việc này đã mở đầu cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn ở Đàng Trong.
Năm Bính Ngọ - 1786: Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã đập tan các chế độ phong kiến, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, thống nhất đất nước. Tháng 7-1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Thể theo ý kiến của công chúa Ngọc Hân thiêsn về lập hoàng thân Lê Duy Cận (anh Ngọc Hân), Nguyễn Huệ muốn tôn lập Duy Cận làm vua. Tuy vậy, do áp lực của tôn thất nhà Lê đối với Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đành thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, đó là vua Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam.
Năm Mậu Ngọ - 1858: Giữa thế kỷ XIX, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã thúc đẩy các nước tư bản phương Tây mở những cuộc chiến tranh giành thuộc địa. Các quốc gia phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng đã trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó. Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh và sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha đã viện cớ nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân để tiến hành cuộc chiếm cứ nước Việt. Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tập trung hỏa lực bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn ở bán đảo Sơn Trà, chính thức xâm lược Việt Nam.
Năm Canh Ngọ - 1930: Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng ở Việt Nam lúc bấy giờ là Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một bước ngoặt lịch sử trọng đại đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Năm Nhâm Ngọ - 1942: Bác Hồ bị bọn phản động Tưởng Giới Thạch bắt giam, chúng đày ải Người qua 14 nhà tù ở Trung Quốc. Chính trong thời gian này, Bác đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” - một áng văn chương bất hủ của dân tộc.
Năm Giáp Ngọ - 1954: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với chiến thắng này, quân và dân ta đã giáng đòn chí mạng vào đầu bọn hiếu chiến Pháp - Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Năm Bính Ngọ - 1966: Quân dân hai miền Nam - Bắc lập nhiều chiến công lớn, đánh thắng bước đầu chiến lược Chiến tranh Cục bộ của đế quốc Mỹ. Ngày 7-2-1966, Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định mở Hội nghị tổng kết Chiến tranh nhân dân tại huyện Củ Chi. Hội nghị đã tuyên dương 209 dũng sĩ diệt Mỹ, rút ra bài học kinh nghiệm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Năm Mậu Ngọ - 1978: Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thắng lợi. Quân tình nguyện Việt Nam tiến tới giúp lực lượng cách mạng Campuchia đập tan tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - lengxary vào năm 1979. Đây cũng là năm Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Xô được long trọng ký kết tại Maxcơva. Đây là sự kiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô.
Năm Canh Ngọ - 1990: Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn. Đất nước vẫn đứng vững trước những diễn biến phức tạp ở Liên Xô và Đông Âu, đồng thời bước vào chuẩn bị mọi mặt cho sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (vào năm 1991). Đây cũng là năm toàn thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Năm Nhâm Ngọ - 2002: Quốc hội khóa XI đã bầu ra bộ máy chính phủ mới với 2 bộ và 1 ủy ban ngang bộ được lập thêm. Sắp xếp này hướng tới giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý giữa các ban, ngành, tinh giản biên chế, thực hiện theo chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ. Là năm thứ 2 toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ra sức thực hiện kế hoạch 5 năm 2000-2005, kế hoạch đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt lịch sử - đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới thành công và đang từng bước hội nhập kinh tế thế giới, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và vững bước tiến vào thế kỷ XXI với thế và lực mới.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065