Ngày nay, hoạt động học tập đối với học sinh không chỉ là việc mang sách vở đến trường, nghe thầy cô giảng bài, mà còn nhiều vấn đề khác. Vì để có được môi trường học tập tốt..., cha mẹ học sinh cùng chung tay, góp sức với Nhà nước. Lợi dụng vấn đề này, nhiều trường trong cả nước nói chung và ở Bình Phước đã xuất hiện tình trạng lạm thu về tiền dụng cụ học tập, học phí, tiền bán trú, tiền ăn... Riêng các khoản ngoài quy định như mua ghế ngồi chào cờ, bảo hiểm tai nạn, tiền nước, vệ sinh, quỹ hội, đội, lớp, học kỹ năng sống... thì nguy cơ lạm thu rất cao. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố đã có nhiều chỉ thị nghiêm cấm lạm thu. Thế nhưng, tình trạng này chưa được ngăn chặn mà có dấu hiệu “biến tướng” sang hình thức khác như xã hội hóa, kêu gọi ủng hộ, vận động giúp đỡ, tự nguyện đóng góp... Và nhà trường đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang cho hội cha mẹ học sinh tổ chức thực hiện, làm tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh. Do đó, việc lạm thu đang trở thành căn bệnh kinh niên của ngành giáo dục.
Tại Bình Phước, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/2015/CT-UBND ngày 17-8-2015 về việc chấn chỉnh công tác thu, quản lý sử dụng các khoản thu và khoản kinh phí được vận động thu tại trường học, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ thị này đã hết hiệu lực nên nhân dân đang mong UBND tỉnh sớm có chỉ thị mới để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng xử lý nghiêm hiệu trưởng các trường để xảy ra dấu hiệu và tình trạng lạm thu.
Mong muốn thứ 2 của phụ huynh là về nền giáo dục thực chất chứ không chạy đua theo thành tích. Trước đây, ngành giáo dục phát động phong trào “Nói không với bệnh thành tích” nhưng tình trạng này vẫn chưa có sự thay đổi. Vì cả lớp đều có giấy khen, học sinh giỏi, tiên tiến được nhận giấy khen đã đành, nhưng khen vì hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt một số môn học... đã dẫn đến thực trạng thiếu phấn đấu của học sinh, vì cuối năm ai cũng được khen thưởng và được lên lớp.
Điều mong ước thứ 3 là dẹp bỏ được nạn học thêm và dạy thêm tràn lan như hiện nay. Nạn học thêm hiện không chỉ xảy ở trong trường học mà lan rộng ra nhiều nơi với mức độ khác nhau. Ngoài xã hội, các trung tâm học tập, dạy thêm về ngoại ngữ, tin học, ôn luyện... của tư nhân mọc nhan nhản. Để thu hút người học, chủ trung tâm có rất nhiều “chiêu thức” vận động, mời chào nhưng chất lượng giảng dạy rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên mở lớp học thêm tại nhà. Học sinh học thêm ở nhà giáo viên thì được ưu ái, có bài tủ khi kiểm tra đã tạo ra sự bất bình đẳng trong học tập.
Ngoài ra, việc xóa bỏ nạn bạo hành học sinh và tạo sự ổn định về chương trình giáo dục, sách giáo khoa... đang là những mong ước của phụ huynh trước thềm năm học mới. Nếu, những “mong ước nhỏ” này sớm thành hiện thực sẽ tạo ra sự đột phá, đưa giáo dục nước nhà tiến lên như tinh thần về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đã đề ra.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065