>> Hợp tác, phối hợp các lực lượng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới
>> Giữ vững biên giới hòa bình và phát triển
BP - Phát biểu tại lễ tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên thực địa tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho rằng, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia trên thực địa Bình Phước là niềm vui lớn, không chỉ dành cho tỉnh mà còn là niềm vui chung của cả dân tộc. Kết quả triển khai, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc của tỉnh Bình Phước là biểu hiện tình đoàn kết, hữu nghị trong mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia.
THUỞ BAN ĐẦU
Những ai lần đầu tiên đặt chân đến miền biên giới thuộc Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) đều dừng lại ở cột mốc 69 để chụp một vài tấm hình làm kỷ niệm. Cũng như bao cột mốc trên tuyến biên giới khác, cột mốc nơi đây cũng được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, do Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư quản lý. Đây là cột mốc biên giới trên đất liền đầu tiên giữa Việt Nam và Campuchia hoàn thành từ tháng 6-2007. Sự ra đời và hoàn thành cột mốc 69 được xem như một dấu son trong công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia trên thực địa tỉnh Bình Phước.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Ka trên đường tuần tra bảo vệ biên giới
Đoạn biên giới dài 17,5km do Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư quản lý có đến 8 cột mốc, trong đó có một vị trí mốc 3. Vị trí mốc 3 cũng là vị trí duy nhất trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Để hoàn thành số lượng cột mốc chiếm đến 1/3 số lượng so với toàn tuyến biên giới của cả tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thường xuyên lội rừng tuần tra, mở đường cho Đội phân giới cắm mốc của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.
Bên kia đoạn sông Tôn Lê Chàm chảy qua xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) là đất bạn thuộc huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Khmum, Vương quốc Campuchia. Đoạn biên giới do Đồn biên phòng Tà Nốt quản lý có chiều dài 14km, một nửa trong số đó là đường sông suối. Để đảm bảo chủ quyền mỗi quốc gia, ban phân giới cắm mốc đã thực hiện tại đây hai cột mốc 76 và 77, trong đó 77 là mốc đôi. Chạy dọc theo tuyến biên giới này không chỉ có cột mốc mà còn có cả 5 cọc dấu được cắm. Nhìn những cọc dấu tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được điều đó là cả một quá trình đàm phán đi đến thống nhất giữa hai quốc gia rồi mới triển khai thực hiện trên thực địa. Chuyện băng rừng, lội suối của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Tà Nốt đã không còn là chuyện khó trong quá trình triển khai phát quang bụi rậm tại đây. Cái khó là sự linh động vận động phía đơn vị bạn phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để ban phân giới cắm mốc thực hiện trên thực địa. Nhờ làm tốt công tác vận động cũng như tạo mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa hai bên nên các cọc dấu trên toàn tuyến do đồn quản lý đã được các chiến sĩ phát quang thông suốt từ năm 2011, dẫn đầu trong công tác phân giới cắm mốc của tỉnh.
KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA
Toàn tuyến biên giới do Đồn biên phòng Đắk Quýt (Bù Đốp) quản lý có 3 cột mốc và 10 cọc dấu. Hệ thống đường biên do đồn phụ trách đều là rừng rậm và đồi dốc cao. Với 10 cọc dấu được cắm trên tuyến biên giới dài 18,5km của Đồn biên phòng Đắk Quýt quản lý được xem là hệ thống cọc dấu dày nhất trên tuyến biên giới của tỉnh. Chuyện đối mặt với bệnh sốt rét rừng đã trở thành chuyện thường ngày của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Thế nhưng với ý chí sắt đá cộng với tinh thần trách nhiệm, các anh luôn bám sát thực địa, cho đội phân giới cắm mốc xác định tọa độ ngoài thực địa đúng như bản đồ đã được hai Nhà nước Việt Nam - Campuchia xác định và ký kết.
61 là cột mốc mang số hiệu nhỏ nhất trong tổng số 28 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên thực địa tỉnh Bình Phước. Đây là cột mốc đôi thuộc tuyến biên giới do Đồn biên phòng Đắk Ơ quản lý. 100% tuyến biên giới của đồn đều là đường sông với tổng chiều dài 15km. Điểm đặc biệt của những cột mốc tại đây là được cắm trên những đồi núi cao chạy dọc theo sông Đắk Quýt. Chính vì thế mà việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng cột mốc hết sức khó khăn và đầy thử thách.
Do địa hình hiểm trở, nhiều nhà thầu xây dựng cột mốc phải bỏ cuộc vì không tìm được nhân công để vận chuyển nguyên vật liệu. Với tinh thần khó khăn nào cũng vượt qua, các chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Ơ đã vào cuộc, tiếp sức với tinh thần cao nhất để Đội phân giới cắm mốc của tỉnh hoàn thành tiến độ. “Để làm được điều đó, nhiều chiến sĩ phải băng rừng, lội suối và ngâm mình trong nước để vận chuyển từng ba lô đá và cát. Đặc biệt là việc vận chuyển và bảo vệ cột mốc nguyên khối đến đúng vị trí trên đồi núi cao phải dùng đến ròng rọc chẳng khác gì không khí hò kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ năm xưa” - Thiếu tá Phạm Văn Chỉnh, Đội phó Đội phân giới cắm mốc tỉnh Bình Phước chia sẻ.
VÌ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Phước được giao cắm 19 vị trí với 28 cột mốc. Trong đó một vị trí mốc 3, 8 vị trí mốc đôi và 10 vị trí mốc đơn. Mốc dấu được giao cắm trên thực địa là 50 vị trí với 83 cọc dấu để đánh dấu đường biên quốc gia. Hầu hết tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia trên thực địa tỉnh Bình Phước chủ yếu là đường rừng, đồi dốc, sông suối. Với tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, công tác phân giới, cắm mốc của tỉnh Bình Phước được hoàn thành vào ngày 10-12-2012 với tổng chiều dài 260,433km. Trong đó, biên giới trên đường bộ 27,809km, biên giới theo sông suối 232,624km. Với kết quả này, Bình Phước là một trong 10 tỉnh của cả nước có đường biên giới với Campuchia hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, đồng thời cũng là tỉnh có đường biên giới dài nhất tiếp giáp với nước bạn Campuchia.
Sau 6 năm nỗ lực trong việc thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia, đường biên giới quốc gia trên thực địa tỉnh Bình Phước đã được xác định là 260,4km. Những cột mốc cũng như các cọc dấu đã được xác định trên thực địa của tỉnh Bình Phước được xem là mốc son trong công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia. Đây cũng là minh chứng biểu hiện cho tinh thần đoàn kết - hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia nói chung và tỉnh Bình Phước với các tỉnh láng giềng của Campuchia nói riêng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065