GIEO MẦM TRÊN NON CAO
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngoài thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác dân tộc, Bình Phước cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính cấp bách, có những chính sách được triển khai xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ.
Xây dựng nền tảng
Từ những ngày đầu đất nước thống nhất, ngày 15-11-1977, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/BBT về công tác dân tộc, miền núi. Điều đó cho thấy, công tác dân tộc là một phần, một nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sau Chỉ thị số 23-CT/BBT, ngày 27-7-1989 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 22-NQ/BCT về một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Những chủ trương như thế không ngừng tiếp nối nhau qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác dân tộc; Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-3-2016 phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020...
Từ chủ trương của Trung ương, Bình Phước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện một cách bài bản. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 21-2-2014 triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 27-7-2016 về triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 22-12-2016 về thực hiện nghị quyết đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 14-4-2017 về ban hành đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 5-6-2017 về việc ban hành quy định thực hiện chính sách đối với già làng tiêu biểu xuất sắc trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước...
Với những chính sách này, Bình Phước đã có chương trình đào tạo, phát triển cán bộ, đảng viên người DTTS trên địa bàn tỉnh trong suốt nhiều nhiệm kỳ qua và đến nay thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến ngày 31-7-2020, toàn tỉnh có 2.578 đảng viên người DTTS trong tổng 36.702 đảng viên toàn tỉnh, chiếm 7,02%. Các nhiệm kỳ đại hội Đảng, số lượng cán bộ chủ chốt các cấp từ xã đến tỉnh đều có đảng viên người DTTS trúng cử, được điều động, bổ nhiệm.
Để làm tốt công tác phát triển Đảng trong vùng DTTS, các chi, đảng bộ cơ sở đã chỉ đạo tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền, giáo dục đối với đoàn viên, hội viên để nâng cao nhận thức về Đảng. Từ đó đã xuất hiện nhiều quần chúng người DTTS ưu tú, được kết nạp vào Đảng và giữ các chức vụ chủ chốt ở cơ sở. |
Ông Hoàng Nhật Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh |
Số lượng đảng viên là người DTTS tăng lên theo từng năm. Năm 2018, toàn tỉnh có 2.417 đảng viên người DTTS; năm 2019 thêm 112 người, lên 2.529 đảng viên. Toàn tỉnh hiện có 273 cán bộ, công chức người DTTS. Trong đó, cấp tỉnh có 60/1.042 công chức, chiếm 5,75%; cấp huyện có 23/961 công chức, chiếm 2,39%; cấp xã có 190/2.476 cán bộ, công chức, chiếm 7,67%.
Khơi nguồn suối mát
Những con số đó có được là kết quả qua nhiều năm làm tốt chiến lược dài hạn về chính sách dân tộc của tỉnh Bình Phước. Các đảng viên người DTTS đã tham gia sâu vào công tác chính trị, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đảng viên người DTTS tham gia hoạch định chính sách, làm cầu nối chuyển tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào mình, từ đó tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách trong vùng đồng bào DTTS sao cho sát với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Họ được ví như những mạch máu của Đảng, Nhà nước len lỏi đến từng ngóc ngách của “cơ thể Bình Phước”. Từ đó đồng bào DTTS đã hòa chung vào nhịp phát triển của tỉnh.
Đồng Phú là huyện có ít đồng bào bản địa S’tiêng, nhưng lại có nhiều đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc tới lập nghiệp. Đảng bộ huyện đã kết nạp được 87 đảng viên người DTTS trong tổng 637 đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ qua. Số lượng đảng viên người DTTS của huyện chiếm 10,2% tổng đảng viên toàn huyện. Các đảng viên người DTTS đều đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ học vấn, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên. |
Ông Trần Văn Vinh, Bí thư Huyện ủy Đồng Phú |
Huyện Bù Đăng có khoảng 140 ngàn người, trong đó 39,97% là đồng bào DTTS. Là huyện có đồng bào DTTS nhiều nhất tỉnh, Đảng bộ huyện Bù Đăng rất chú trọng tạo nguồn đảng viên người DTTS thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao trình độ, văn hóa, chính trị, phát triển kinh tế trong vùng DTTS.
Ông Bùi Ngọc Hân, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đăng cho biết: Hằng năm, công tác kết nạp đảng viên người DTTS đều vượt so với nghị quyết đề ra. Tính đến ngày 30-9-2020, Đảng bộ huyện Bù Đăng có 60 chi, đảng bộ cơ sở với 863/3.872 đảng viên người DTTS, chiếm 22,3%. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã kết nạp 159 đảng viên người DTTS trong tổng 700 đảng viên kết nạp, chiếm 23%.
Lộc Ninh là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có gần 20% số dân là đồng bào DTTS. Ông Hoàng Nhật Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Trong 5 năm qua, Đảng bộ huyện đã kết nạp 47 quần chúng ưu tú là người DTTS vào Đảng, nâng tổng số lên 241/3.003, chiếm 8,02% đảng viên trong toàn huyện.
Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước rất hay. Nhưng khi thực hiện chính sách, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ, phải thấu hiểu thực tế mỗi địa bàn, đơn vị, bản sắc văn hóa riêng của mỗi thành phần dân tộc. Các đơn vị liên quan phối hợp tốt thì chính sách sẽ như dòng suối mát tiếp sức cho vùng sâu, vùng xa mạnh mẽ như những cánh rừng nguyên sinh giữa đại ngàn. |
Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước |
Việc phát triển đảng viên người DTTS trên địa bàn Bình Phước thời gian qua, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, là chiến lược vô cùng quan trọng. Điều đó được ví như đã tạo ra những hạt giống tốt, không chỉ là nền tảng rèn luyện sau này trở thành những cán bộ chủ chốt trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, mà còn là những ngọn đuốc tiên phong dẫn đường trong chính cộng đồng của họ.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065