Không riêng gì Ji Chang Wood, rất nhiều sao Hàn từng bị fan Việt vây kín ở sân bay và hoảng loạn vì những hành động quá khích của đám đông hâm mộ. Cuối năm 2016, hình ảnh một thành viên nhóm GOT7 phải ngồi sụp xuống vì bất lực trước vòng vây các fan ở sân bay khiến cộng đồng mạng bất ngờ. Rồi khi nhóm nhạc nổi tiếng Wanna One đặt chân đến Sân bay Tân Sơn Nhất, fan Việt cuồng nhiệt đập vào cửa kính xe khiến thần tượng hoảng sợ. Hay khi sao Hàn Seungri của nhóm Big Bang đến trổ tài DJ tại một quán bar ở Hà Nội, hàng ngàn người hâm mộ kéo đến vây quanh và giật mũ, chạm vào người, thậm chí giật tóc khiến anh phải ôm đầu để tránh những bàn tay thô bạo của fan cuồng...
Khung cảnh hỗn loạn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. Hồ Chí Minh nơi diễn ra sự kiện của Ji Chang Wook - Ảnh internet
Những chuyện xấu xí nêu trên từng bị “phơi” lên báo Hàn và truyền thông xứ kim chi đã nhiều lần gọi fan Việt là “xác sống” khi túm tóc, giật tay, giật mũ thần tượng, thậm chí là khóc lóc. Còn tại Việt Nam vào cuối năm 2012, chứng kiến hình ảnh giới trẻ khóc như mưa khi đón ban nhạc Hàn Quốc tại Sân bay Nội Bài, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã vô cùng bức xúc và viết bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất”. Bài thơ là những lời chỉ bảo nghiêm khắc của một người lớn tuổi từng trải qua chiến trận với giới trẻ, trong đó có những câu khiến nhiều fan cuồng phải tự ái: “Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt/ Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội/ Sắt đá vẫn nghẹn ngào/ Nhưng các em ạ/ Chúng tôi không bao giờ rơi lệ/ Những chuyện tào lao”. Hay: “Bố tôi chết tôi mới khóc/ Mẹ tôi chết tôi mới khóc/ Bạn tôi chết tôi mới khóc/ Đồng bào tôi mất tích ngoài biển Đông tôi mới khóc/ Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ/ Hãy cố mà để dành”. Tất nhiên, việc tôn thờ thần tượng một cách văn hóa không có gì đáng trách và những vần thơ của Đỗ Trung Quân chỉ dành cho fan cuồng vô lối.
Theo Từ điển tiếng Việt thì từ “thần tượng” để chỉ một người được tôn thờ như vị thần, hơn người thường về mọi mặt, có công lao to lớn hoặc mang lại lợi ích cho số đông. Tuy nhiên, ngày nay “thần tượng” được hiểu khác rất nhiều. Chỉ cần ai đó được yêu thích thì đã trở thành thần tượng, như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, vận động viên, doanh nhân... Có những bạn trẻ mơ ước được như thần tượng, học theo thần tượng từ cách ăn mặc đến kiểu tóc, dáng đi. Có người đau khổ, cay cú khi thần tượng thua trong cuộc thi nào đó. Có người bất bình khi thần tượng hẹn hò, vì cho rằng thần tượng “có trách nhiệm” phải luôn lung linh chứ không được làm những việc tầm thường như yêu đương, hò hẹn, ăn uống ngoài đường phố... Và khi thần tượng sụp đổ trong mắt họ thì họ thấy mình như bị phản bội, có người bị trầm cảm, muốn tự tử. Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện về một nữ sinh lớp 9 tiêu hàng chục triệu đồng để mua đồ liên quan đến thần tượng. Người cha tức giận xé và vứt hết khiến cô lên mạng chửi rủa và “dọa” khi cha mẹ về già cô sẽ không nuôi vì đã xé ảnh và chửi bới thần tượng của cô. Cũng năm 2012, cộng đồng mạng sốc khi một nhóm bạn trẻ quỳ xuống và hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội...
Thế nên hồi tháng 3 năm nay, khi Seungri - thành viên ban nhạc Big Bang của Hàn Quốc rời khỏi ban nhạc vì một loạt cáo buộc liên quan đến dắt mối mại dâm, trốn thuế, quay lén video sex và nghi vấn tàng trữ ma túy... đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại bởi mặt trái của việc thần tượng một hình mẫu. Cho dù ca sĩ này đã trở thành “rác rưởi” trong mắt người dân Hàn Quốc, thế nhưng nhiều bạn trẻ Việt vẫn một mực tôn thờ Seungri là thần tượng.
Thời nào, ở đâu thì giới trẻ vẫn luôn năng động, muốn khám phá, chinh phục cái mới. Thời của chúng tôi, lứa thanh niên trưởng thành sau chiến tranh nhưng thấu rõ giá trị của cuộc sống hòa bình, nên đã miệt mài tìm cách khẳng định bản thân và cống hiến cho đất nước. Bây giờ, phần đông giới trẻ vẫn miệt mài học tập, cống hiến, nhưng một bộ phận không nhỏ lại thờ ơ, vô cảm và mất rất nhiều thời gian cho những việc phù phiếm, vô bổ mà nhà thơ Đỗ Trung Quân gọi là “những việc tào lao”. Câu chuyện hàng ngàn người chang nắng chang mưa, chen chúc nhau chờ đợi thần tượng và thất vọng vì sao Hàn hủy show tối 10-9 vừa qua như một mảng tối trong đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta.
Thật may, trong ngày đầu năm học mới, câu chuyện đẹp về cô bé Nguyễn Thị Hoàng Oanh, học sinh lớp 8, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, phường 9, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh được nhận thư khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là những gam màu tươi tắn, làm lấn át những mảng tối mờ trong cuộc sống hôm nay. Qua bài viết “Bé cụt chân vì TNGT bán vé số nuôi ước mơ làm bác sĩ”, kể về hoàn cảnh đáng thương của Hoàng Oanh trên Báo Giao thông, dù mất một chân sau tai nạn giao thông, Oanh vẫn hằng đêm chống nạng đi bán vé số và tranh thủ học bài dưới ánh đèn đường. Sau khi đọc bài báo nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động trước một cô bé không đầu hàng số phận, biết vươn lên trong cuộc sống. Và đúng ngày khai giảng năm học mới, Thủ tướng đã viết thư động viên, khen ngợi và tặng quà cho Hoàng Oanh. Câu chuyện về nghị lực của cô bé lớp 9 ở thành phố Hồ Chí Minh là những nét chấm phá tươi sáng trong bức tranh muôn màu của cuộc sống quanh ta.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065