Để tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường, những năm qua, ngành giáo dục Bình Phước đã tăng cường phát triển hệ thống trường lớp điểm lẻ. Tuy đã được đầu tư về cơ sở vật chất nhưng so với điểm trường chính, học sinh ở điểm lẻ vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Việc dạy và học ở điểm lẻ gặp rất nhiều khó khăn nên chất lượng học sinh cũng vì thế mà khác nhau.
NHỮNG ĐIỂM TRƯỜNG NHIỀU “KHÔNG”
Các lớp học điểm lẻ thường được xây dựng ở nơi tập trung đông dân cư của vùng sâu, vùng xa và cách điểm trường chính có khi lên đến hàng chục kilômét, trên nền đất mượn hoặc đất do người dân hiến tặng nên có diện tích hẹp, chỉ đủ để xây phòng học và một phần diện tích dùng làm sân chơi. Hệ thống các phòng chức năng như thư viện, thiết bị, bãi tập, nhà vệ sinh, giếng nước hầu như không có. Một số điểm trường có giếng nước, có nhà vệ sinh nhưng không có điện. Nhiều điểm trường có điện nhưng lại không có nhà vệ sinh, giếng nước...
Một lớp học tại điểm lẻ Lam Sơn, trường Tiểu học Đồng Tâm B
Điểm trường Lam Sơn, trường Tiểu học Đồng Tâm B (Đồng Phú) là một trong những điểm trường khó khăn nhất, cách điểm chính 13km, nằm lọt thỏm trong khu dân cư nơi tiếp giáp với xã Nghĩa Trung (Bù Đăng). Đường vào trường thì mưa lầy, nắng bụi và có nhiều đoạn dốc dựng đứng. Điểm trường có 89 học sinh, trong đó có 40 em là người dân tộc thiểu số, có 4 phòng học cấp IV, 3 phòng dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 1 phòng dành cho lớp mẫu giáo. Bàn ghế học sinh đa phần không đủ chuẩn. Năm 2010, điểm trường đã được đầu tư điện chiếu sáng, hàng rào dây thép gai bao quanh nhờ kinh phí phụ huynh đóng góp. Trường có giếng nước nhưng là giếng cộng đồng, đã nhiều năm không sử dụng được vì hư hỏng. Ở lớp mẫu giáo, các cháu còn nhỏ, nhu cầu sử dụng nước nhiều, đặc biệt là những ngày nắng nóng. Thế nhưng, giáo viên cứ phải đi xin từng xô một về dùng. Không nhà vệ sinh nên mọi nhu cầu vệ sinh của cả giáo viên và học sinh rất khó khăn.
Điểm Thạch Màn, trường Tiểu học Tân Lợi (Đồng Phú) cũng khó khăn không kém. Trường cách điểm chính 12km, được xây dựng trên diện tích 1,6 ha do người dân hiến tặng. Trường có giếng nước nhưng không có điện mà phải dùng máy nổ. Sân trường nền đất nhỏ hẹp và không có hàng rào bao quanh. Điểm trường ấp Đồng Bia cũng không điện, không nước nên có nhà vệ sinh mà vẫn phải bỏ không. Điểm trường có 2 phòng với 2 lớp, 28 học sinh. Khu nhà cấp IV cũ, không điện chiếu sáng nên vào những ngày mưa gió, đóng cửa để tránh mưa thì tối không thể học được.
Cô Đỗ Thị Quyên, giáo viên trường Tiểu học Đồng Tâm B cho biết, điều kiện học tập của học sinh điểm lẻ vô cùng khó khăn. Phương tiện, đồ dùng dạy học thiếu thốn, chủ yếu do giáo viên tự chuẩn bị. Đặc biệt là giáo viên lớp mẫu giáo.
KHÔNG THỂ BỎ ĐIỂM LẺ
Có những điểm trường chỉ vài chục học sinh, đường sá đi lại khó khăn, giáo viên đến trường phải đi sớm, về khuya. Gặp mùa mưa nước chảy xiết thì cả người và xe trôi theo dòng nước, có những thầy cô phải ở lại nhà dân vì cầu trôi, không về được... thế nhưng hầu hết các giáo viên đều cho rằng, không thể bỏ hay nhập về điểm chính được bởi điều kiện sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, bỏ điểm lẻ là bỏ luôn hy vọng đến trường của các em.
Toàn tỉnh hiện có 457 điểm trường tiểu học, trong đó có 175 điểm chính và 282 điểm lẻ. Điểm lẻ được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng hầu hết các điểm lẻ đều đang trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất. Chất lượng học sinh chênh lệch khá lớn giữa điểm chính và điểm lẻ. Theo ông Trần Văn Thường, Trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT: để nâng cấp các điểm lẻ chỉ còn cách xem xét điểm nào có nhiều học sinh, đủ điều kiện thì chuyển thành điểm chính để đầu tư nâng cấp.
Ông Trần Văn Thường, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, hầu hết các điểm lẻ đều trong tình trạng thiếu phòng học, phải học lớp ghép hoặc các phòng học đã được làm từ lâu nên cơ sở vật chất đã bắt đầu xuống cấp. Phòng học nhỏ hẹp, không đủ chuẩn nên giáo viên khó thực hiện việc dạy học theo nhóm, chất lượng học sinh vì thế cũng bị hạn chế đi nhiều. Dù còn nhiều khó khăn nhưng những điểm lẻ này không thể thiếu đối với bà con vùng sâu. Khi điều kiện sống của người dân còn nhiều thiếu thốn thì sự học đối với con em họ cũng chưa được chú ý. Nếu trường xa khu dân cư, đường đi gặp nhiều khó khăn thì họ cho con em nghỉ học để theo cha mẹ lên rẫy phụ việc.
Cô Quyên cho biết thêm, để đến được với điểm lẻ Lam Sơn, nhiều em còn phải đi qua dòng suối Thác. Ngày nắng thì không sao chứ ngày mưa nhiều em phải nghỉ học vì nước lớn. Đường đến trường của các em học ở điểm lẻ còn nhiều gian nan cho nên rút ngắn khoảng cách được bao nhiêu là tốt cho các em bấy nhiêu. Những điểm trường thôn, ấp này rất quan trọng đối với học sinh vùng sâu. Chỉ mong các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa để giáo viên và học sinh có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Địa bàn rộng, người thưa, dân cư phân bố không đều, không tập trung nên có những điểm lẻ chỉ có 1 hoặc 2 phòng học với khoảng 15-20 em nhưng giáo viên vẫn bám trường, bám lớp, ngày ngày cần mẫn và những điểm trường này vẫn phải tiếp tục duy trì để thắp sáng con chữ cho đồng bào vùng sâu.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065