Sau gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhất là đối với các ngành thuộc lĩnh vực công thương. Phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước về những vấn đề có liên quan. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên: Hoạt động công thương là một bộ phận chủ yếu được Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết 11, vậy ông có thể nói rõ hơn nhiệm vụ của ngành trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ?
Ông Lê Văn Uy: Trước tình hình kinh tế thế giới hiện đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương ngay trong quý II năm 2011, ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung - cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý, gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ; chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm hiệu quả, ổn định giá lương thực trong nước, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành dự trữ quốc gia để bảo đảm an ninh lương thực; thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chủ động có biện pháp chống đầu cơ, nâng giá. Xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu, phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xây dựng quy trình, nguyên tắc kiểm soát nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn do Chính phủ bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu; chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế nhập siêu. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty thành viên có kế hoạch huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, ưu tiên bảo đảm điện cho sản xuất; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm, phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống. Đó là những nội dung mà chính phủ đã giao cho ngành Công thương trong việc thực hiện Nghị quyết 11 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường là một trong những giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết 11
Phóng viên: Đối với ngành, Bình Phước đã thực hiện Nghị quyết 11 như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Uy: Để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch số 284/ KH-SCT ngày 20-3-2011 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Qua thời gian thực hiện kế hoạch số 284, chúng tôi nhận thấy so với cùng kỳ năm 2010, tình hình giá cả đã tăng 30,6%. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng hóa trong lĩnh vực giáo dục với 116%, vàng tăng gần 40%... riêng lĩnh vực bưu chính viễn thông lại giảm 5,59% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm đạt 9.071 tỷ đồng, tăng 28,28%. Tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện khoảng 361,482 triệu USD, tăng 36,7%, đạt gần 65,7% kế hoạch năm, nhập khẩu đạt 66,666 triệu USD, giảm 5,17%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.386 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, một số lĩnh vực, ngành nghề tăng mạnh nhất là chế biến hàng nông sản như mủ cao su, hạt điều… Toàn tỉnh đã thu hút được 400 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với số vốn 2.760 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian qua, sở đã tham mưu và tổ chức thành công hội nghị giữa các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng nông sản với các ngân hàng thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các đơn vị sản xuất. Ngành còn khuyến khích các doanh nghiệp, đại lý, hệ thống thu mua hàng nông sản cho người dân tại khu vực nông thôn. Ngoài ra, ngành còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, công ty thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm đủ nguồn năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trực tiếp, nhất là các ngành sản xuất mũi nhọn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sở còn thực hiện việc chia sẻ thông tin, những khuyến cáo của bộ về thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ động điều tiết lượng hàng hóa kinh doanh. Ngoài ra, sở còn chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bình ổn giá, thực hiện thành công chương trình người Việt dùng hàng Việt tại thị xã Phước Long. Tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Nhờ có chương trình hành động cụ thể nên trong lĩnh vực năng lượng, toàn tỉnh đã tiết kiệm 4,69 triệu kWh điện.
Như vậy, việc thực hiện Nghị quyết 11 của chính phủ về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm năng lượng ở tỉnh ta đã đạt hiệu quả.
Phóng viên: Vậy còn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thì sao, thưa ông?
Ông Lê Văn Uy: Việc kiểm tra, kiểm soát, thực hiện điều tiết, bình ổn thị trường là việc làm thường xuyên của ngành. Do vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 thì công tác này càng phải được coi trọng hơn. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 419 vụ vi phạm các quy định về niêm yết giá, đã xử lý được 324 vụ. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, đã phát hiện 3.127 vụ, xử lý được 1.871 vụ với số tiền gần 5,5 tỷ đồng, truy thu được gần 15 tỷ đồng.
Sở cũng đã yêu cầu các phòng hạ tầng kinh tế các huyện, thị rà soát lại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chủ chốt trong cung ứng, phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị cung cấp xăng dầu làm tốt chức năng bình ổn giá.
Phóng viên: Để thực hiện thành công Nghị quyết 11, trong thời gian tới ngành phải làm gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Uy: Như đã nói, để thực hiện Nghị quyết 11, Sở Công thương đã xây dựng và đang thực hiện Kế hoạch số 284 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong kế hoạch này, chúng tôi đang tập trung vào nhiều giải pháp, thực hiện một cách triệt để và bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Hiện ngành đang thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị giữa các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng nông sản với các ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị bảo đảm kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu. Nắm vững tình hình hoạt động của các đại lý kinh doanh xăng dầu ở các xã vùng biên giới. Ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ găm hàng chờ giá.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tấn Phong (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065