Thế nhưng, trên một số trang mạng và truyền thông quốc tế lại xuất hiện một số kẻ như “thầy bói xem voi” với cái nhìn tiêu cực, thiển cận đang tìm cách xuyên tạc, bóp méo những thành công của một hội nghị hết sức quan trọng.
Đảng phải lo cho dân
Hội nghị lần này theo chương trình làm việc được công bố rộng rãi trên báo chí có tới 6 nội dung lớn, song họ chỉ xoáy vào hai chủ đề “nhất thể hóa” bộ máy và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Họ cho rằng, đưa thêm các nội dung như dân số, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phân tích tình hình kinh tế-xã hội là khiến cho hội nghị bị dàn trải, ôm đồm, không đi vào những vấn đề người dân đang quan tâm, né tránh những vấn đề cấp bách.
Đó là những tư duy hết sức thiển cận. Họ quên mất một điều rằng trong nhiều hội nghị Trung ương gần đây, Đảng ta đều thể hiện tinh thần cải cách hành chính, lựa chọn những nội dung thiết thực, cấp bách để bàn thảo trong mỗi hội nghị. Đơn cử như việc cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch năm 2018, ngay trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đây là công việc thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm của Ban Chấp hành Trung ương”, “nó có ý nghĩa rất thiết thực”. Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm. Đảng quan tâm lãnh đạo kinh tế, rà soát lại tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách của đất nước, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt… là điều chính đáng, là nhiệm vụ rất quan trọng. Điều này là rất đáng mừng, sao có thể nói là không trọng tâm, không thiết thực?
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 6 khóa XII. Ảnh: TTXVN
Các nội dung như lãnh đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… cũng đâu phải là những vấn đề nhỏ. Ngược lại, đây là những vấn đề vừa mang tính chiến lược “lấy dân làm gốc” vừa mang tính thời sự cấp bách; là những điểm nghẽn đối với nguồn lực phát triển đất nước. Đề cập các vấn đề này thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, cũng là thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn lúc sinh thời: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”; “Ngay đến tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”.
Chống tham nhũng - cuộc chiến không thoái trào
Một số “nhà dân chủ” còn bịa đặt: “Đã thỏa thuận ngầm giữa các phe nhóm”, “cuộc chiến chống tham nhũng đã bị thỏa hiệp, thoái trào”, lãnh đạo Đảng “đã quyết định khép lại quá khứ, không xem xét kỷ luật tiếp những cán bộ sai phạm mà chỉ yêu cầu “đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa”? Có tờ báo hải ngoại thì cho rằng đây là “hội nghị đốt lò” nhưng chỉ đốt được củi bé, củi to tham nhũng vẫn chưa được đưa vào “lò”.
Trên thực tế, Hội nghị Trung ương 6 lần này không phải là hội nghị chỉ bàn riêng về chống tham nhũng, song nội dung phòng, chống tham nhũng vẫn là một vấn đề quan trọng của hội nghị và đã được triển khai kiên quyết.
Trước hội nghị, ngay cả một số trang mạng và truyền thông quốc tế vẫn còn đồn đoán về việc xử lý ông Nguyễn Xuân Anh là khó. Nhưng ở ngày làm việc thứ ba của hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh và kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Có thể nói, đó là thông điệp rõ ràng, nhất quán, thể hiện tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với giặc nội xâm của Đảng ta. Điều đó đồng nghĩa với việc làm “từ trên xuống dưới” sẽ thường xuyên hơn, kiên quyết hơn, không có vùng cấm. Hoàn toàn không có chuyện “thỏa hiệp”, “không hồi tố”, xử lý tham nhũng kiểu “đầu voi đuôi chuột” như thông tin bóp méo.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) ngay sau hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng bày tỏ niềm tin đó: “Trước tiêu cực phải giữ vững khí thế đấu tranh, đó là khuynh hướng mà Đảng và nhân dân kỳ vọng”. Cử tri Trần Viết Hoàn nêu quan điểm: “Nhân dân hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Nhà nước chống tham nhũng... Nhân dân cảm ơn người đứng đầu trong Đảng đã thắp lên ngọn lửa cho lò bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi khô, củi tươi vào lò để thiêu giặc nội xâm”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét, công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định. Trả lời báo chí, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng khen ngợi: “Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy…”; “Qua thực hiện, có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ các đồng chí Trung ương và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ”.
Những nhận xét trên phần nào đã khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta không hề thoái trào mà ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn. Hiệu quả của cuộc chiến này không chỉ nhằm ở xử lý được bao nhiêu cán bộ vi phạm mà quan trọng hơn như Bác Hồ từng căn dặn là giúp nhiều người thắng được kẻ địch trong lòng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị cũng khẳng định: “Quan trọng là để người ta giác ngộ, thấy ra để tiến lên. Bên cạnh đó phải thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng, tránh mất mát, để tất cả mọi người không đi vào vết xe đổ đó”.
Cải cách bộ máy - những quyết định lịch sử
Một số trang mạng còn tổ chức hẳn những cuộc luận đàm trên trang YouTube để tán dương bản kiến nghị “Cùng nhau mở con đường cải cách” dài tới 45 trang của ông Nguyễn Trung gửi đến Hội nghị Trung ương 6 với nhiều kêu gọi trái Hiến pháp mà ông này đã nhiều lần nêu như đòi đổi tên nước, tên Đảng, thực hiện đa nguyên chính trị, từ bỏ con đường XHCN… Để rồi, khi những ý kiến ấy không được thực hiện, họ cho rằng Hội nghị Trung ương 6 “lửng lơ trước yêu cầu đổi mới”, “làm lỡ cơ hội vàng của dân tộc”, “không bàn bạc được những gì thiết thực”…
Những quan điểm “thầy bói xem voi” ấy có lẽ đã không biết tại hội nghị lần này, Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong việc cải tổ bộ máy với nhiều quyết định “lịch sử”.
TS Trương Minh Huy Vũ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đánh giá, Đảng đã mạnh dạn tiếp tục đụng vào vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền và sắp xếp lại bộ máy chính trị, dù đây là vấn đề quan trọng, nhưng cũng nhạy cảm và phức tạp.
Báo cáo về tình hình bộ máy hành chính cho thấy nhiều con số nóng bỏng. Có những bộ sử dụng vượt 1/3 - 1/2 số biên chế được giao; 31/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt tổng số 6.375 biên chế. Báo chí từng nêu những câu chuyện như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có 38/45 công chức làm lãnh đạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có 8 phó giám đốc sở; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thừa 23 cấp phó… Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ. Các đơn vị hành chính sau nhiều lần chia tách nếu xét theo các tiêu chí mà Quốc hội đặt ra năm 2016 thì có tới 49 huyện (9%), 3.363 xã (37%) chưa đạt hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Cả nước có 2,5 triệu biên chế, chưa kể con số trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, cả nước có tới 11 triệu người hưởng lương (hoặc mang tính chất lương) từ ngân sách.
Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, hàng loạt chủ trương cải cách mạnh mẽ đã được đề ra về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xác định toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội...
Một điểm sáng của hội nghị là có những việc đã được “làm ngay”. Trả lời báo chí trước hội nghị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiến nghị nên kết thúc mô hình của 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thì kết thúc hội nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc đã nêu rõ: Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao. Ví dụ, việc kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao… Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện… Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp. Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm…
Như vậy, chỉ với riêng việc triển khai sắp xếp lại bộ máy, Đảng ta một lần nữa lại thể hiện sự tiên phong đi trước, chủ động đột phá vào những điểm yếu của chính mình để cho hệ thống chính trị mạnh hơn, hiệu quả hơn. Việc này được PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: “Các cơ quan Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy, vì ở nước ta Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Nếu bộ máy Đảng vẫn cồng kềnh thì hiệu quả lãnh đạo suy giảm”.
Xét ở góc nhìn học thuật, mô hình chính trị các quốc gia trên thế giới thì đây cũng là những ví dụ về nhất thể hóa giữa Đảng và các cơ quan Nhà nước ở các cấp độ khác nhau, hoàn toàn không có chuyện Đảng ta né tránh “nhất thể hóa” như một số quan điểm ngộ nhận. Nhưng xét ở góc độ biện chứng, đây cũng là nội dung mới, không thể làm nóng vội, chủ quan. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay, còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn.
Có thể nói, qua những vấn đề trên cho thấy, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của mình, thực sự tiếp tục là một hội nghị quan trọng, đề ra được nhiều chủ trương, quyết sách lớn rất thiết thực đối với sự phát triển của đất nước và của Đảng. Những chủ trương ấy cần được nhanh chóng hiện thực hóa, triển khai trong cuộc sống để tạo nên những động lực và thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thời gian tới.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065