BP - “Cô mời bạn Mai đứng dậy nào!”. Thị On đứng lên nói một tràng tiếng S’tiêng, sau tiếng nói của Thị On thì cô bé tên Mai phía dưới lớp đứng lên. Đó là hình ảnh phóng viên bắt gặp trong giờ học tiếng Việt ở Trường tiểu học Lộc Thành B, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh trong mùa hè này. 20 năm kể từ khi tiểu học Lộc Thành B đi vào hoạt động là 20 mùa hè thầy cô giáo ở đây cùng nhau học tiếng Khơme, S’tiêng để dạy tiếng Việt cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới. Thầy trò nơi đây học nhau, dạy nhau không phụ cấp mà để phục vụ cho “sự nghiệp trồng người”.
Cô Nguyễn Thị Hạnh tập viết cho học sinh trong hè để chuẩn bị bước vào lớp 1 năm học mới 2016-2017
Bộn bề khó khăn
Cô Nguyễn Thị Huế về công tác tại Trường tiểu học Lộc Thành B đến nay đã 19 năm. 19 năm trước, tiểu học Lộc Thành B chỉ là một điểm trường với muôn vàn khó khăn. Nói là sân trường nhưng thực ra là một bãi chăn thả trâu, bò của đồng bào Khơme sống gần trường. Nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên muốn dứt trường ra đi mà là trình độ nhận thức của học sinh nơi đây. Không ít học sinh vào lớp 1 khi giáo viên gọi đứng lên vẫn ngồi lì một chỗ với đôi mắt ngơ ngác. Có hôm cô giáo bảo các em lấy sách để lên bàn nhưng học sinh vẫn chăm chăm ngồi nhìn cô giáo. Chính sự ngơ ngác ấy của các em đã tạo thêm động lực cho giáo viên gắn bó với ngôi trường vùng biên giới này.
14 năm gắn bó với trường là 14 mùa hè cô giáo Lê Thị Tường Vy làm công tác vận động. Ngần ấy thời gian đã giúp cô có nhiều phương pháp trong vận động học sinh là đồng bào DTTS ra lớp. Tùy điều kiện của học sinh mà cô có cách vận động khác nhau. Học sinh thiếu áo mặc đến trường thì cô đi xin áo để tặng, thiếu sách vở cô lại đi xin sách vở, thậm chí cô còn trích một phần tiền lương ít ỏi của mình để mua bánh kẹo “nhử” các em đến lớp. Nhìn vào tỷ lệ 64% học sinh của trường là con em đồng bào DTTS, trong đó phần lớn là đồng bào Khơme và S’tiêng; 12,78% trẻ em dưới 5 tuổi ở xã Lộc Thành bị suy dinh dưỡng và 10,6% số hộ thuộc diện nghèo mới giải nghĩa được tại sao đội ngũ giáo viên của trường vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm làm từ thiện.
Cô, trò cùng học
Là người S’tiêng, mỗi khi giảng bài học sinh không hiểu cô Thị Hạnh lại chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ. 8 năm công tác tại trường là 8 mùa hè cô Hạnh vật lộn với bao khó khăn để chuyển tải ngữ nghĩa chữ viết và tiếng Việt cho học trò người S’tiêng, Khơme lần đầu đến lớp. Để làm được điều đó, suốt mùa hè, cô phải đến từng thôn, sóc và cả nương rẫy, ruộng vườn của mỗi gia đình học sinh để vận động. Mùa hè của giáo viên thường gói gọn trong tháng 7, bởi thời gian còn lại tập trung cho việc tổng kết, tập huấn chuyên môn năm học mới. Một tháng vừa đi vận động vừa dạy tiếng Việt cho học sinh quả không đơn giản chút nào. Lợi thế là người dân tộc S’tiêng nên cô Hạnh dễ chuyển tải tiếng Việt cho học sinh của mình. Thế nhưng với cô Huế, cô Vy và cả đội ngũ giáo viên của trường thì phải học tiếng Khơme, S’tiêng từ chính học trò lớp 5 để dạy lại học sinh khối lớp 1.
Không chỉ học tiếng của đồng bào tại chỗ, giáo viên còn vận động học sinh khối THCS cùng ngồi học với học sinh chuẩn bị vào lớp 1 ngay trong hè. Mỗi khi học sinh không hiểu nghĩa của từ, các em khối THCS lại đóng vai trò là phiên dịch viên. Nhiều học sinh THCS còn thay giáo viên uốn nắn từng nét chữ cho các em lần đầu cầm bút. Đội ngũ học sinh khối THCS tại chỗ còn là chỗ dựa để con em đồng bào DTTS tập làm quen với trường, lớp và thầy cô giáo. Để phân biệt được bạn Mai cao hơn bạn Trúc bằng tiếng Việt thì cả cô và trò phải đưa hai bạn trong lớp đứng lên làm ví dụ. Không chỉ phân tích, cắt nghĩa bằng tiếng nói mà giáo viên phải dạy bằng hình ảnh minh họa trực quan hết sức sinh động. Bằng phương pháp đó, phần lớn học sinh con em đồng bào DTTS trước khi vào lớp 1 của Trường tiểu học Lộc Thành B đã rành tiếng Việt sau mỗi mùa hè. Đó là nhiệm vụ âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy nhân văn của “người lái đò trên dòng sông trí thức” ở một ngôi trường nơi biên giới xã Lộc Thành.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065