Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đây được xem là giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế của huyện trên phạm vi rộng, tác động tới đại bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Cụ thể, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Hình thành và phát triển các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn; chú trọng sản xuất tập trung một hay một vài loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Triển khai chương trình mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, từng bước thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Phát triển nhanh công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Lộc Ninh sẽ tập trung khuyến khích, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện năng lượng mặt trời, xem đây là ngành công nghiệp quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện, đặc biệt hỗ trợ thực hiện tuyến đường dây 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 và 5 dự án nhà máy điện mặt trời công suất 800MWp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai 2 cụm công nghiệp Lộc Thịnh, Lộc Thành với tổng diện tích 94 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch.
Một góc thị trấn Lộc Ninh hôm nay
Xin cơ chế phối hợp đặc thù trong quản lý, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đồng bộ, chọn lĩnh vực đột phá để phát triển khu kinh tế cửa khẩu phù hợp lợi thế so sánh so với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên tuyến biên giới với Vương quốc Campuchia. Đồng thời phải tăng cường xây dựng thương hiệu, thực hiện giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo ưu thế về thời gian thông quan, nâng cao sự công khai, minh bạch trong mọi khâu của thương mại biên giới. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh quy hoạch, phát triển khu kinh tế cửa khẩu đối ứng với Khu kinh tế cửa khẩu Hun Sen đang được Vương quốc Campuchia nghiên cứu triển khai.
Rà soát, quy hoạch quỹ đất để xây dựng mạng lưới chợ nông thôn, từng bước xóa bỏ chợ tạm, nâng cấp, chỉnh trang chợ thị trấn Lộc Ninh theo hướng văn minh, hiện đại. Thực hiện cơ chế quản lý các chợ theo hướng xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới về đầu tư kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Kêu gọi phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Xây dựng khu thương mại - dịch vụ Ninh Thịnh, khu thương mại - dịch vụ - dân cư Ninh Thành.
Phối hợp quản lý, kêu gọi đầu tư phát triển các di tích lịch sử do tỉnh quản lý, trọng tâm là phát huy sự ảnh hưởng, tác động tích cực đến kinh tế - xã hội địa phương của Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Đổi mới công tác quản lý, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa do huyện quản lý, theo hướng bảo tồn gắn với xã hội hóa đầu tư quản lý. Phát triển đa dạng loại hình du lịch, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa cộng đồng...
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Đây là giải pháp bắt buộc với mọi địa phương. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương sẽ có sự tập trung đầu tư khác nhau. Lộc Ninh ưu tiên đầu tư các dự án giao thông quan trọng kết nối phục vụ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, mở rộng quốc lộ 13 đoạn Lộc Tấn - Hoa Lư, đường tránh quốc lộ 13, các trục đường liên tỉnh ĐT756, ĐT759B, các trục đường liên xã kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ và đường tuần tra biên giới với số vốn bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phải đầu tư nâng cấp mở rộng, sửa chữa các tuyến đường hiện hữu, đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thị trấn Lộc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV; 2 xã Lộc Hiệp, Lộc Thái đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng của đô thị loại V vào năm 2025. Phát triển khu đô thị dịch vụ - thương mại - dân cư phía đông quốc lộ 13 diện tích 360 ha làm hạt nhân hỗ trợ phát triển cho khu công nghiệp tập trung và khu quản lý thương mại - dịch vụ Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư theo Quyết định số 1130/QĐ-UBND ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh. Triển khai dự án khu đô thị - hành chính - dịch vụ - thương mại - dân cư huyện Lộc Ninh quy mô 35 ha.
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Phấn đấu đến năm 2025 có đủ các phòng bộ môn, phòng chức năng và sân bãi rèn luyện thể chất trong trường học. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện lên 200 giường bệnh. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn các xã, ấp đạt tiêu chí nông thôn mới; xây dựng sân vận động, nhà thi đấu đa năng huyện đủ khả năng tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh.
Đầu tư phát triển mạng lưới điện, nhất là hệ thống điện hạ áp đến vùng sâu, vùng xa, khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái nhà, đáp ứng 99,6% hộ dân có điện dùng trong sinh hoạt. Phát triển mạng lưới thông tin, viễn thông, xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu quá trình quản lý và phát triển của xã hội. Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống đập, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho nhân dân với số vốn bố trí khoảng 845 tỷ đồng.
Tăng thu ngân sách nhà nước,
huy động hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội,
hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Lộc Ninh xác định quy hoạch, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, xem nguồn thu từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển đô thị, đất ở, đất thương mại - dịch vụ là nguồn thu quan trọng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của huyện. Phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn hằng năm từ 10-15% dự toán cấp trên giao, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả nhiệm kỳ đạt 1.617 tỷ đồng.
Huy động có hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, dự kiến tổng vốn huy động khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách các cấp khoảng 4.000 tỷ đồng, vốn đầu tư vào công nghiệp điện năng lượng mặt trời khoảng 15.000 tỷ đồng, vốn đầu tư của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp khác khoảng 11.000 tỷ đồng.
Tạo mặt bằng kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động có hiệu quả, quan tâm xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phấn đấu trong nhiệm kỳ phát triển mới 300 doanh nghiệp. Có chính sách phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065