BP - LTS: Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời, tiếp thu, tổng hợp gửi UBND tỉnh đề nghị giải quyết; những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ban Dân nguyện Quốc hội. Ngày 6-7-2018, Ban Dân nguyện ban hành Văn bản số 283/BDN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những kiến nghị của cử tri Bình Phước. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 6292/BNN-TT gửi đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước về việc trả lời kiến nghị của cử tri và sau đây là nội dung của văn bản này.
Công nhân Nông trường Trà Thanh, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long thu gom, giao nhận mủ - Ảnh: K.B
Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước: Cao su là cây trồng kinh tế chủ lực của Bình Phước và một số địa phương khác trong cả nước, là loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho đất nước cũng như tạo nhiều việc làm cho người dân. Việc giá mủ cao su xuống thấp liên tục trong hơn 6 năm gần đây đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế và gây khó khăn cho cuộc sống của người trồng cao su. Sau nhiều chính sách đề ra, hiện giá mủ cao su vẫn ở mức thấp, tình trạng chặt bỏ cao su vẫn tiếp diễn, công nhân cạo mủ thất nghiệp, người làm cao su vẫn luôn trong tình trạng lo lắng về giá mủ... Cử tri đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp phù hợp hơn nữa để giải cứu cây cao su, giúp nhân dân yên tâm phát triển cây cao su, tạo điều kiện duy trì và phát triển ngành kinh tế quan trọng này của đất nước.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ NN&PTNT xin trả lời như sau: Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp trong những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các địa phương, trong đó có Bình Phước, cần thực hiện các giải pháp như:
Đánh giá toàn diện khó khăn, thuận lợi về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hiệu quả sản xuất, tình hình quản lý, giám sát quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn, từ đó có đề xuất các giải pháp phát triển cao su phù hợp trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay. Điều chỉnh quy mô sản xuất, tạm dừng không trồng mới cao su; tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và trước mắt luân canh với một số cây trồng khác để nâng cao năng suất hiệu quả sản xuất cao su. Tăng cường tổ chức tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su về trung hạn và dài hạn; nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật, thực hiện tiết giảm chi phí, tránh tự phát chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác.
Về một số giải pháp để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành: Đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón nhưng cuối năm tiếp tục làm cỏ và chống cháy; đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh: có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Đối với những diện tích cao su đã đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo. Đối với diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao có thể thanh lý.
Khuyến khích các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp đối với cây cao su để tăng thu nhập.
Giải pháp chế biến và tiêu thụ: Kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng cao su sơ chế, đáp ứng các thị trường yêu cầu chất lượng cao.
Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng dần tỷ trọng chủng loại SVR 10, SVR 20 đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm cao su trong nước, vừa tiêu thụ được cao su trong nước, giảm nhập khẩu cao su. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ cao su, đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng tối đa các sản phẩm từ vườn cao su khi thanh lý nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, tổ chức liên kết người sản xuất trong các hợp tác xã cao su tiểu điền và doanh nghiệp chế biến mủ cao su trên địa bàn để hỗ trợ nhau khi có khó khăn trong sản xuất và thị trường.
Để đảm bảo cuộc sống cho người trồng cao su, ngoài những chính sách đang triển khai thực hiện, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội miễn giảm thuế VAT cho các sản phẩm mủ cao su sơ chế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065