CON NHÀ NGHÈO HIẾU HỌC
Theo con đường đất đỏ đến gần cuối ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, chúng tôi đến nhà ông Nông Văn Mỳ (1964). Đây là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện Bù Đốp.
Vợ chồng ông Mỳ sức khỏe không tốt, cả hai thường xuyên bị bệnh tật hành hạ, lại phải lo mưu sinh kiếm tiền trang trải việc học cho các con. Trong căn nhà tuềnh toàng, lật tấm đan che cửa sổ, chúng tôi thấy những tấm giấy khen của các con ông được treo trang trọng phía trên. Đó chính là sự động viên to lớn của vợ chồng ông Mỳ.
Với vợ chồng ông Nông Văn Mỳ (bên phải), 4 người con hiếu học là hạnh phúc, là niềm tự hào lớn nhất
Vào Bình Phước sinh sống từ năm 1987 nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn không thay đổi bao nhiêu so với trước. Sau khi làm nhiều việc để mưu sinh, gia đình ông tích cóp mua được 3 sào đất trồng tiêu ở xã Tân Tiến. Thế nhưng, vườn tiêu luôn bị bệnh và chết gần hết dù gia đình ông đã bỏ nhiều vốn, công đầu tư chăm sóc. Bù lại những gian khổ mưu sinh là thành tích học tập của các con. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, có những khi thiếu bữa ăn và phải phụ cha mẹ kiếm sống nhưng 4 người con của ông vẫn luôn chăm chỉ học tập. Hiện con gái đầu đã tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), ở lại lập nghiệp trên vùng cao nguyên Lâm Viên. Con gái thứ hai tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Bù Đốp. Con trai thứ ba tốt nghiệp Cao đẳng công nghệ thông tin, đang làm việc cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Người con trai út đang học năm thứ 4 Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Ông Mỳ cho biết: Có những lúc hoàn cảnh khó khăn, làm ăn thất bại tôi thấy nản lòng. Nhưng nhìn các con ham học, vợ chồng tôi dù bệnh tật vẫn quyết tâm cho các con đi học. Tôi nghĩ chỉ có con đường tri thức mới thay đổi được cuộc sống nghèo khó của các con sau này.
NUÔI HEO “TIẾP SỨC” CHO CON VÀO ĐẠI HỌC
Nhìn đàn heo đang hì hụi trong máng thức ăn, ông Nông Văn Bình (52 tuổi), xã Tân Tiến cười nói: “Nhờ những con heo này mà các con tôi đều được tiếp sức vào đại học, cao đẳng hết đấy!”. Năm 1987, từ Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp gia đình ông Bình phải đi bán củi, chặt cây thuê và làm nhiều nghề để bám trụ trên vùng đất mới. Năm 2006, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, ông Bình mua heo về nuôi và trồng 2 sào tiêu. Dần dần, tích tiểu thành đại, ông Bình nhân lên với hàng chục con heo và đầu tư mở rộng vườn tiêu. Nhờ thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, ông Bình đã nuôi 4 người con vào đại học, cao đẳng. “Người con lớn đã trở thành cô nuôi dạy trẻ. Con trai thứ hai cùng mở trang trại phát triển kinh tế với gia đình. Hai con gái út đang học năm thứ 3, 4 Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với các chuyên ngành trồng trọt và thú y. Đó cũng là hướng đi mà các con tôi lựa chọn để tương lai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên vùng đất biên giới nghèo khó” - ông Bình tự hào nói.
Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, biên giới vẫn còn nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là vào những ngày mùa đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học. Và chính những gia đình hiếu học như hộ ông Nông Văn Mỳ, Nông Văn Bình sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua học tập tới nhiều gia đình khác trong khu vực và xã hội.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065