So với Luật Đất đai hiện hành (năm 2003), Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân có nhiều điểm mới khác biệt. Điểm mới đáng chú ý nhất là dự thảo đã đưa ra quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất, căn cứ thu hồi, thẩm quyền thu hồi, trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi, thủ tục thu hồi đất…
Điểm mới thứ nhất, Dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất thay cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện như luật hiện hành nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương. Cụ thể, tại Điều 44 quy định về thẩm quyền thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2003 có quy định như sau: “1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. 2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”. Nhưng trong Điều 65 của dự thảo có quy định: “1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trong các trường hợp sau: a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; c) Thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả đất của người bị thu hồi đất quy định tại điểm a, điểm b khoản này và khoản 2 điều này. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong các trường hợp sau: a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; b) Thu hồi đất ở gắn liền với nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. 3. Người có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này không được ủy quyền.
Trường hợp thu hồi đất do chậm đưa vào sử dụng không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất - Ảnh: Mai Ca
Như vậy, không những trong dự thảo đã quy định rõ thẩm quyền thu hồi đất đai là của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố và Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, mà còn quy định nhưng người này không được ủy quyền trong việc ký quyết định thu hồi đất. Điều này không những tăng quyền, mà còn khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Điểm mới thứ hai, dự thảo đã đưa ra những quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 59), lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 60), các dự án phát triển kinh tế, xã hội (Điều 61), thu hồi đất do vi phạm pháp luật (Điều 63), thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện (Điều 64) để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương;
Điểm mới thứ ba là trong dự thảo đã bổ sung căn cứ để thu hồi đất theo từng trường hợp thu hồi đất (Điều 62 và khoản 2 Điều 64). Mục đích của việc bổ sung này là nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc thu hồi đất tại địa phương. Theo đó, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm. Đặc biệt, dự thảo luật đã bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội còn phải căn cứ vào Kế hoạch thu hồi đất hàng năm được HĐND cấp tỉnh thông qua (khoản 4 Điều 43). Với quy định này sẽ ngăn chặn được việc thu hồi đất tùy tiện, nhất là việc thu hồi đất xuất phát từ lợi ích nhóm.
Điểm mới thứ tư là trong dự thảo đã bổ sung quy định trước khi thực hiện thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng chính phủ (khoản 2 Điều 50). Và quy định này là để bảo vệ diện tích đất rừng, góp phần tích cực cho việc chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là đất trồng lúa theo quy hoạch chung của chính phủ, đồng thời bảo đảm chiến lược an ninh lương thực cho quốc gia theo hướng bền vững.
Điểm mới thứ năm là dự thảo đã bổ sung các quy định để đảm bảo tính khả thi đối với cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện như: Giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quỹ đất sau khi thu hồi để tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất “sạch” (Điều 68). Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không cho chủ đầu tư tham gia vào quá trình thu hồi đất như quy định hiện hành để điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi đất vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, trong dự thảo không giao trách nhiệm quản lý quỹ đất đã thu hồi tại khu vực nông thôn cho UBND cấp xã như hiện hành mà thống nhất giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất để đảm bảo tính thống nhất và chuyên nghiệp trong việc khai thác quỹ đất sau khi thu hồi.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bổ sung quy định về cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện thu hồi đất (Điều 106); Quy định trách nhiệm của Nhà nước khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị thì phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi (khoản 3 Điều 60).
Điểm mới thứ sáu là dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế, xã hội nhằm đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch và hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất do tổ chức thực hiện thu hồi đất tại địa phương. Cụ thể, thủ tục thu hồi đất bao gồm trình tự, thủ tục thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (Điều 69) và trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư các dự án phát triển kinh tế, dự án công trình công cộng (Điều 70). Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn bổ sung quy định về cưỡng chế trong khâu đo đạc, kiểm đếm để lập phương án bồi thường trước khi có quyết định thu hồi đất (kiểm đếm bắt buộc) và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Điều 71).
Điểm mới thứ bảy là dự thảo đã bổ sung quy định về chế tài đối với trường hợp thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng. Cụ thể với trường hợp: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng (12) liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; việc chấp thuận chỉ được thực hiện một lần và không quá thời hạn mười hai (12) tháng. Người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất (Điểm h, khoản 1, Điều 63).
Với những đổi mới cơ bản của Luật Đất đai sửa đổi nói chung và nội dung quy định về thu hồi đất nói riêng, chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai như hiện nay. Đồng thời, những điểm mới trên đây sẽ ngăn chặn được tình trạng khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Từ đó, nhà nước sẽ phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065