Luật Tài nguyên nước (TNN) được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1999. Đây là văn bản pháp luật cao nhất về quản lý TNN, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý TNN ở nước ta. Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến TNN. Luật ra đời đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Tuy nhiên, sau 12 năm thi hành, Luật TNN đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể: Những quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN liên quan trực tiếp đến quy định của nhiều văn bản pháp luật khác như: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Khoáng sản, Thuế tài nguyên... Các văn bản pháp luật này đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong khi các quy định có liên quan của pháp luật về TNN vẫn chưa điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ. Không những thế, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; một số quan hệ mới trong khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phát sinh trong thực tiễn cần thiết phải được bổ sung vào nội dung của luật; nhiều quy định đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn thi hành nhưng mới chỉ được thể hiện trong các văn bản dưới luật nên tính pháp lý còn thấp.
Bên cạnh đó, việc cấp phép về TNN hiện vẫn mang nặng cơ chế “xin - cho”; chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy phép; điều kiện chuyển nhượng quyền khai thác TNN, xả nước thải. Luật cũng chưa quy định đầy đủ, toàn diện một số nội dung rất quan trọng của quản lý TNN như: quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách hợp lý, cân bằng lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường... Đặc biệt, từ năm 2007, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật, bao gồm cả pháp luật về tài nguyên nước cần phải điều chỉnh cho phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế…
TNN là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là tư liệu thiết yếu cho cuộc sống của con người, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước (TNN) là cần thiết nhằm bảo vệ TNN có hiệu quả; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được tốt hơn; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về TNN trong tình hình mới. Dự thảo Luật TNN sửa đổi có 104 điều thể hiện trong 11 chương. Trong đó có 66 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 38 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật TNN năm 1998. Dự thảo Luật TNN sửa đổi đã bỏ 3 chương của Luật TNN năm 1998, gồm: Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; khen thưởng và xử lý vi phạm. Đồng thời, điều chỉnh, kết cấu lại để bổ sung thêm 4 chương mới quy định về Chiến lược, Quy hoạch TNN; điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá TNN và thông tin, dữ liệu về TNN; Cấp phép về TNN và chương Tài chính TNN.
Xác định ý nghĩa quan trọng của TNN, Dự thảo Luật TNN sửa đổi tập trung vào 4 chủ trương lớn đó là: Thứ nhất, khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất thông qua việc miễn, giảm thuế tài nguyên, hỗ trợ vốn để nghiên cứu và xây dựng công trình. Thứ hai, xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước; khuyến khích và huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư trong bảo vệ TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra. Thứ ba là ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho điều tra cơ bản về TNN, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo về TNN, hệ thống thông tin dữ liệu; xây dựng và thực hiện quy hoạch TNN; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước. Thứ tư là kinh tế hóa lĩnh vực TNN. Mặc dù TNN là tài nguyên quý giá và vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động kinh tế - xã hội, tuy nhiên các nguồn thu ngân sách Nhà nước về tài nguyên này còn rất hạn chế.
Dự thảo Luật sửa đổi có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, sử dụng các loại thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác phục vụ quản lý, bảo vệ có hiệu quả TNN.
LG
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065