Luật Luật sư đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. Ngay sau khi luật này có hiệu lực, bằng những hoạt động của mình, tổ chức luật sư góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý kinh tế và quản lý xã hội theo pháp luật; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức;… Tuy nhiên, sau hơn 5 năm được áp dụng vào thực tiễn cuốc sống, Luật Luật sư đã bộc lộ những bất cập, nhất là chất lượng của đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Luật sư còn chưa phù hợp với thực tế hoạt động luật sư. Do vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp soạn thảo dự án sửa đổi, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Hiện dự thảo luật này đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. So với pháp luật hiện hành, dự thảo Luật Luật sư có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp đến hành nghề luật sư. Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo luật này.
* Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư:
Điểm mới thứ nhất là về thời gian đào tạo, Luật Luật sư hiện hành quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng. Trong khi đó, thời gian đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên hiện nay là 12 tháng. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng tăng thời gian đào tạo nghề từ 6 tháng lên 12 tháng. Trong thời gian 12 tháng đào tạo nghề, học viên sẽ được học một số kỹ năng cơ bản chung cho cả 3 chức danh, được đi thực hành tại các cơ quan tư pháp (Tòa án, kiểm sát, điều tra...), các tổ chức hành nghề luật sư. Đồng thời chương trình sẽ dành thời gian để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của luật sư.
Dự thảo Luật sửa đổi sẽ tăng thời gian đào tạo nghề từ 6 tháng lên 12 tháng (Hình minh họa) - Ảnh: Tấn Phong
* Thường xuyên cọ xát với thực tiễn:
Hiện nay người tập sự hành nghề luật sư ít được cọ xát vụ việc thực tế. Để tạo điều kiện cho người tập sự được rèn luyện về kỹ năng hành nghề của luật sư, dự thảo cho phép người tập sự được thực hiện một số công việc nhưng dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn và được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, người tập sự không được bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự, đại diện cho khách hàng trước tòa và ký văn bản tư vấn pháp luật. Ngoài ra, dự thảo Luật mở rộng đối tượng được trở thành luật sư cho các viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật.
* Hằng năm, luật sư phải tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc
Về quyền và nghĩa vụ của luật sư, dự thảo bổ sung quy định luật sư được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề theo quy định, đồng thời được đại diện cho khách hàng trước cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Mặt khác, để nâng cao chất lượng hành nghề luật sư, phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật quy định nghĩa vụ tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư. Đồng thời, để xây dựng hình ảnh luật sư trong xã hội, nâng cao vị thế của luật sư, dự thảo Luật quy định luật sư có nghĩa vụ giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp của luật sư.
* Những đối tượng không được đào tạo nghề luật sư:
Về đối tượng được miễn đào tạo nghề, miễn, giảm tập sự hành nghề luật sư, quy định về vấn đề này trong Luật Luật sư hiện hành còn thiếu chặt chẽ và chưa phù hợp. Thêm vào đó, hiện nay Luật Luật sư cũng quy định chưa đầy đủ việc miễn đào tạo cho một số chức danh tư pháp trong xã hội đã có bằng cử nhân luật và được đào tạo nghề gần với luật sư như công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại. Để khắc phục những hạn chế này, Dự thảo Luật quy định một số trường hợp vừa được miễn đào tạo, vừa được miễn tập sự hành nghề luật sư, bao gồm: Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên từ 5 năm trở lên; người đã là điều tra viên cao cấp, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát hoặc chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật....
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của luật sư, Dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn việc miễn đào tạo nghề luật sư, cụ thể các đối tượng trên (trừ giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật) chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn tối đa là 2 năm, kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065