LTS: Trong kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật giá theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Dự thảo Luật Giá bao gồm 5 chương với 51 điều được soạn thảo trên nguyên tắc kế thừa những nội dung, những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Giá; thay thế, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp; bổ sung những nội dung mới bảo đảm theo đúng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Luật Giá. Đồng thời, dự thảo cũng đã tiếp thu, chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quản lý giá của các nước, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. So với pháp lệnh Giá hiện hành, Dự thảo Luật Giá có nhiều điểm mới và dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới trong dự thảo luật này.
Điểm mới thứ nhất là phạm vi điều chỉnh: So với Pháp lệnh Giá hiện hành, dự thảo Luật trước hết quy định phạm vi điều chỉnh của luật là quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá sau đó mới là cơ chế quản lý và hoạt động điều tiết giá của nhà nước. Quy định như vậy sẽ bảo đảm phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực giá, trong đó có vai trò của nhà nước trong hoạt động điều tiết giá.
Thứ hai là về nguyên tắc quản lý giá: Nếu như trong Pháp lệnh Giá hiện nay chưa khẳng định nguyên tắc nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và chưa có quy định các cơ chế cạnh tranh về giá như: Thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá, định giá dựa vào cạnh tranh, thì trong Dự thảo Luật Giá đã khẳng định nguyên tắc quản lý giá là từ mô hình kinh tế tổng quát của nước ta. Đó là xây dựng “nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” và cơ chế giá phải phù hợp với mô hình này. Cụ thể là “Cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Đây cũng có thể coi là sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình” trong quản lý giá.
Điểm mới thứ ba là công khai thông tin về giá: Một điểm mới khác của dự thảo so với Pháp lệnh Giá là trong dự thảo có quy định cụ thể về chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.
Điểm mới thứ tư là về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng: Cụ thể là trong Pháp lệnh Giá trước hết là quy định về điều hành giá của Nhà nước, sau đó mới quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và không có quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Thế nhưng trong Dự thảo Luật Giá trước hết đã khẳng định và quy định rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, của người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, sau đó mới quy định về hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. Đồng thời, so với Pháp lệnh Giá, Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện để quy định này đi vào cuộc sống.
Thứ năm là về hoạt động điều tiết giá của Nhà nước: Pháp lệnh Giá quy định “Điều hành giá của Nhà nước”, nhưng dự thảo Luật Giá thay bằng “Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước”. Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước bao gồm các nội dung như: bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Các nội dung như: chống bán phá giá, kiểm soát giá độc quyền trước đây Pháp lệnh Giá có quy định, nhưng dự thảo Luật Giá không quy định nữa để tránh chồng chéo với các luật khác như Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng nhập khẩu và Luật Cạnh tranh. Những điểm đáng lưu ý trong hoạt động điều tiết giá của Nhà nước gồm: Về nội dung bình ổn giá thị trường: Dự thảo Luật Giá bãi bỏ biện pháp “Trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” vì quy định như vậy có thể dẫn đến việc trợ giá cho cả hàng nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, so với Pháp lệnh Giá, Dự thảo Luật quy định bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, đó là các biện pháp về tài chính, tiền tệ; Lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với loại hàng hóa dịch vụ được hình thành quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế;…
Về nội dung hoạt động định giá của Nhà nước, so với Pháp lệnh Giá, Dự thảo Luật đã sửa đổi một số quy định và bổ sung một số điểm mới cho phù hợp tình hình thực tế. Cụ thể, Về hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, Dự thảo Luật giá quy định rõ các tiêu chí hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất - kinh doanh; Hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất - kinh doanh; Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch. Về nguyên tắc định giá của Nhà nước, Dự thảo quy định 2 nguyên tắc nhằm bảo đảm việc định giá của Nhà nước vừa tuân theo cơ chế giá thị trường, vừa góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, cũng như thể hiện tính linh hoạt trong hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.
Về thẩm quyền định giá, so với Pháp lệnh Giá, Dự thảo Luật không quy định chung chung như Pháp lệnh Giá mà đã quy định chi tiết về thẩm quyền định giá gắn với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Cụ thể là Chính phủ định giá tài nguyên quan trọng; Thủ tướng Chính phủ định giá hàng hóa, dịch vụ được sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước và hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất - kinh doanh;…
Điểm mới cuối cùng là về thẩm định giá: So với quy định về thẩm định giá tại Pháp lệnh Giá, Dự thảo Luật Giá đã quy định chi tiết hơn về nội dung này gồm những quy định chung về hoạt động thẩm định giá, quy định cụ thể về thẩm định viên về giá cũng như về doanh nghiệp thẩm định giá, về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Tuy nhiên, với mục tiêu là khuyến khích loại hình thẩm định giá độc lập phát triển, không tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp thẩm định giá trong việc thẩm định giá tài sản nhà nước, Dự thảo Luật quy định Nhà nước chỉ thực hiện thẩm định giá trong các trường hợp sau: Các trường hợp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp mua sắm hoặc bán tài sản nhà nước mà doanh nghiệp thẩm định giá không đáp ứng được những điều kiện theo quy định của Chính phủ; mua sắm hoặc bán tài sản bí mật nhà nước; mua sắm hoặc bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá chưa đủ làm căn cứ để cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt giá mua hoặc bán tài sản nhà nước;….
ĐT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065