Giảm tội danh có mức án tử
BLHS hiện hành có 22 tội danh quy định hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo BLHS sửa đổi lần này đã đưa ra đề xuất loại 7 tội danh khỏi khung hình phạt cao nhất. Đó là tội cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự luật cũng đã tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Các tội danh khác, mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Theo tôi thì việc loại bớt tội danh tử hình như dự thảo là phù hợp với tình hình đất nước và quốc tế ngày nay. Bởi lẽ, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; chẳng hạn như chỉ áp dụng với một trong những người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm hoặc người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo. Ngược lại, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên và phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi như hiện nay cũng như người từ 70 tuổi trở lên. Hơn nữa, trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia đã loại bỏ án tử hình.
Tháng 12-2014, 7 thanh niên bị tuyên phạt 59 năm tù vì đã đánh chết một khách hàng trong quán karaoke tại xã Thanh Phú, TX Bình Long - Ảnh: T. Linh
Điều đáng ghi nhận nữa ở đây là ngoài việc giảm án tử hình của 7 tội danh nêu trên, có nhiều chuyên gia pháp luật còn đồng tình với ban soạn thảo dự luật về đề xuất đáng chú ý: Áp dụng án tử hình đối với tội tham ô, hối lộ, tham nhũng. Và theo tôi thì trong tình hình đất nước hiện nay, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí “đang là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Vì vậy, đối với tội danh này, không cần cân nhắc giảm tử hình và bởi Việt Nam cam kết phòng chống tham nhũng với quốc tế. Hơn nữa, đối với tội nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng nên giữ hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu không trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc nhất sẽ không đủ sức răn đe, làm mất lòng tin của nhân dân.
Thêm tội xâm phạm quyền công dân
Một trong những nội dung đáng chú ý khác là dự thảo BLHS đưa ra nhiều quy định bảo vệ quyền con người, tự do dân chủ của công dân. Cụ thể, đối với nhóm tội này, dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung 3 tội mới: Xâm phạm quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 6 tội của nhóm này, đó là: Xâm phạm chỗ ở người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo BLHS sửa đổi là đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có tên gọi trong BLHS hiện hành là “chống chính quyền nhân dân”, đã được thay bằng cụm từ “Chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việc thay đổi này có ý nghĩa cụ thể, rõ ràng về chủ thể bị xâm hại. Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất bỏ 2 tội danh trong nhóm tội này là tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội và phá rối an ninh trật tự xã hội.
Mở rộng hình phạt ngoài nhà tù
Điểm mới được dư luận và giới chuyên gia pháp luật ghi nhận là trong dự thảo BLHS còn sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng hình phạt ngoài tù. Cụ thể, dự thảo đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính và ở loại tội phạm này có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.
Đối với hình phạt không giam giữ, dự thảo đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, kể cả đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý. Song song đó, dự thảo còn bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ nhưng nếu không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện lao động công ích (tuy nhiên là sẽ không áp dụng với người già yếu, phụ nữ có thai).
Một nội dung khác được dự luật sửa đổi một cách căn bản là quy định về việc xóa án tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng... Bên cạnh đó, người được miễn hình phạt và người bị kết án về một tội do vô ý thì không bị coi là có án tích.
Luật gia: Vĩnh Hòa
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065