đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Bổ sung 3 nhóm, gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (Luật BHXH 2006 là từ đủ 3 tháng); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định.
một số chế độ chính sách mới
Về chế độ ốm đau, thai sản: Mức hưởng trợ cấp ốm đau 1 ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày, thay vì Luật BHXH 2006 là chia 26 ngày. Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày với mức thấp hơn sau nghỉ ốm vượt quá 180 ngày đối với người lao động không phải là quân nhân, công an nhân dân, thấp nhất là 50%, thay vì Luật BHXH 2006 là 45%. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở, thay vì Luật BHXH 2006 chia 2 mức là 25% và 40%.
Người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh - Ảnh: Nguyễn Bình
Luật BHXH 2014 điều chỉnh thời gian nghỉ chế độ khi sinh con là 6 tháng, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Đồng thời, bổ sung lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ làm việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Sửa đổi quy định trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH (quy định trước đây, nếu mẹ chết, cha mới được hưởng).
Về chế độ hưu trí: Luật BHXH 2014 quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Đồng thời, thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nhưng không phải là quân nhân, công an nhân dân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Cụ thể: Từ 1-1-2016: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm 1 tuổi; từ 2020 trở đi: Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi; thay vì trước đây nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi.
Việc thực hiện lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH như sau: Từ 1-1-2018 trở đi cả nam và nữ đều phải kéo dài thời gian thêm 1 năm; 2019 là 2 năm; 2020 là 3 năm; 2021 là 4 năm; 2022 là 5 năm. Và từ thời điểm này trở đi sẽ phải đủ thời gian 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75%; thay vì trước đây nam 30 năm, nữ 25 năm.
Theo đó, Luật BHXH năm 2014 cũng tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tăng mức trợ cấp BHXH một lần đối với người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần, tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được hưởng bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, đối với những năm đóng BHXH trước năm 2014, mức hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân (quy định hiện hành, tất cả các năm đóng BHXH đều hưởng mức trợ cấp bằng 1,5 tháng lương bình quân).
Lộ trình tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, cụ thể: Người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước năm 1995 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là 5 năm cuối; từ 1-1-1995 đến 31-12-2000 là 6 năm cuối; từ 1-1-2001 đến 31-12-2006 là 8 năm cuối; từ 1-1-2007 đến 31-12-2015 là 10 năm cuối; từ 1-1-2016 đến 31-12-2019 là 15 năm cuối; từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 là 20 năm cuối; từ 1-1-2025 trở đi, sẽ được tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH.
Về chế độ tử tuất: Luật BHXH 2014 bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp có con dưới 6 tuổi; con hoặc vợ hoặc chồng suy giảm khả năng lao động 81% trở lên).
BHXH tự nguyện
Hoạt động BHXH nói chung là thực hiện chính sách an sinh xã hội, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Về nguyên tắc, lấy số đông, lấy chi phí của người đóng cao, dài mà hưởng ngắn để bù cho người đóng thấp, ngắn mà hưởng lâu. Vì vậy, Nhà nước chủ trương thực hiện BHXH tự nguyện là để khuyến khích mọi công dân hướng đến ổn định cuộc sống lúc hết tuổi lao động, già yếu vẫn có nguồn thu nhập. Luật BHXH 2014 dành riêng Chương IV về BHXH tự nguyện. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2016 trở đi:
Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động đã đủ tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH. Mức đóng BHXH tự nguyện: Thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo; cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Cách thức đóng, người tham gia BHXH có thể đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, hoặc 12 tháng mỗi lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau, nhưng không quá 5 năm; đóng một lần cho những năm còn thiếu khi người tham gia BHXH đủ tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH, nhưng không quá 10 năm.
Về điều kiện BHXH tự nguyện hưởng hưu trí: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Thanh Vũ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065