Việt Nam vốn được thiên nhiên ưu đãi với tài nguyên "rừng vàng biển bạc". Nhưng cũng có những nơi phải chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở.
1. Dãy Hoàng Liên Sơn
Dãy Hoàng Liên Sơn là một trong những nơi có địa hình hiểm trở với những ngọn núi cao và khí hậu rất khắc nghiệt. Dài 180km, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, Hoàng Liên Sơn có nhiều đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Bạch Mộc Lương Tử cao 3.040m, Tà Chí Nhù cao 2.971m, Phu Ta Leng 3.096m. Đặc biệt, cao nhất là đỉnh Fansipan 3.143m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương.
Có rất ít dân cư sinh sống trên dãy núi này do địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt mùa đông vô cùng lạnh giá. Tuy nhiên Hoàng Liên Sơn là điểm đến yêu thích của những người có tham vọng chinh phục đỉnh Fansipan và ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ trên khắp các dãy núi.
2. Dãy Trường Sơn
Dãy Trường Sơn là một trong những dãy núi lớn trên thế giới với chiều dài 1.100 km, tính từ sông Cả đến giáp miền Đông Nam bộ. Đây đồng thời cũng là dãy núi dài nhất Việt Nam, trong thời kì chiến tranh, đây là một trong những chiến tuyến khốc liệt, ngày nay phần lớn diện tích dãy Trường Sơn còn khá hoang vu, hẻo lánh và ít dân cư sinh sống.
Tuy nhiên hành trình chinh phục dãy Trường Sơn là một thử thách mà bất cứ dân du lịch bụi nào cũng muốn được một lần trải nghiệm, bởi trên tất cả những khó khăn gian khổ là cảm giác được đến gần hơn với lịch sử, và vẻ đẹp hùng tráng của đất nước.
3. Quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa cách đất liền khoảng 305 hải lý (tính từ Vũng Tàu đến đảo gần nhất), là một vùng biển rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi trên mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng 11km2. Hải quân nhân dân Việt Nam đang kiểm soát 7 đảo và 14 bãi cạn. Đây là nơi không có đất trồng trọt, rất ít nước ngọt và thường hứng chịu nhiều cơn bão lớn quanh năm. Cuộc sống của quân và dân trên đảo rất khó khăn.
4. Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn (hay Sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Chỉ nghe thấy tên gọi đã có thể hình dung cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây. Để có đất canh tác, đồng bào dân tộc thiểu số phải đưa từng vốc đất lèn vào các hốc đá để có thể trồng được cây lương thực trên các sườn núi. Ngoài ra nơi đây còn có những mùa đông lạnh giá vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ có khi chỉ khoảng -5 độ.
Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm đến yêu thích cho những người muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh thiên nhiên có một không hai ở Việt Nam - công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận năm 2010.
5. Quảng Trị
Quảng Trị là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu của Việt Nam: miền khí hậu phía bắc có mùa đông lạnh và phía nam nóng ẩm quanh năm. Đây là vùng đất khắc nghiệt, chịu hậu quả của nhiều loại hình thời tiết thiếu ôn hòa như gió Tây Nam khô nóng, bão, mưa lớn cùng nhiều diễn biến thất thường. Vì vậy sản xuất và đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn.
Từng là “tuyến lửa” khốc liệt nhất trong thời gian chiến tranh, ngày nay Quảng Trị là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, chiếm 83,3% diện tích tự nhiên. Đây là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu một thời oanh liệt trong lịch sử dân tộc.
Nguồn Depplus
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065