BP - LÝ CÔNG UẨN - Giáp Tuất 974: Ông xuất thân là một võ quan cao cấp dưới triều nhà tiền Lê. Năm 1009, nhân khi vị vua cuối cùng của nhà tiền Lê là Lê Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, Lý Công Uẩn được lực lượng của Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh tôn làm hoàng đế. Trong thời kỳ trị vì, ông dành nhiều thời gian đánh dẹp các nơi phản loạn, vì thời kỳ này về cơ bản nước Đại Cồ Việt vẫn chưa thu phục được lòng tin của các tộc người vùng biên cương. Triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7-1010 và thành này được đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý tồn tại 216 năm.
Tượng đài Lý Công Uẩn tại thủ đô Hà Nội - Ảnh tư liệu
TRẦN QUỐC TUẤN (Trần Hưng Đạo) - Bính Tuất 1226: Ông là con của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu, anh ruột Trần Thái Tông. Năm 1257, ông được Trần Thái Tông phong làm tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên - Mông lại đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đánh tan đội quân xâm lược của Trấn Nam vương Thoát Hoan và quét sạch quân Nguyên khỏi biên giới. Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt. Hưng Đạo vương tiếp tục làm Quốc công tiết chế. Ông dùng lại kế cũ của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân của các tướng Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi trong trận Bạch Đằng. Quân Nguyên phải tháo chạy về nước. Tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm Đại vương.
NGUYỄN CHÍCH - Nhâm Tuất 1382: Quê ông tỉnh Thanh Hóa, là danh tướng, khai quốc công thần thời hậu Lê. Ông xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt và có lòng yêu nước nồng nàn. Ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp lũy làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Sau đó, ông đem quân phò giúp Lê Lợi đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427. Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.
LÊ TƯ THÀNH - Nhâm Tuất 1442: Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông, là con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, Thái Tông mất, anh khác mẹ Tư Thành là Lê Nhân Tông lên thay, phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông và cướp ngôi. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng. Ngày 6-6-1460, các tể thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến, bức tử Nghi Dân. 2 ngày sau, họ bàn nhau lập Lê Tư Thành làm vua. Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế, xưng làm Thiên Nam động chủ, đặt niên hiệu là Quang Thuận (sau đổi thành Hồng Đức). Trong 38 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, làm nước Đại Việt rất phồn thịnh và văn minh. Ông còn xây dựng quân đội hùng hậu, mở rộng lãnh thổ về phía nam và phía tây.
ĐẶNG CHẤT - Nhâm Tuất 1622: Ông là người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ông là danh thần đời Lê Hy Tông. Ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, đỗ tiến sĩ năm 1661, làm quan tới chức Tham tụng (tể tướng) và từng nhiều lần đi sứ nước ngoài. Bản tính ngay thẳng, lối sống thanh liêm, cần kiệm của ông rất được sĩ phu đương thời trọng vọng.
MẠC THIÊN TỨ - Bính Tuất 1706: Ông là danh sĩ, nhà doanh điền thời chúa Nguyễn. Ông là con Tổng binh Mạc Cửu - người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Khi cha qua đời, ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc tấn công của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp. Với tính cách cương nghị, đa tài, tận tụy phò giúp chúa Nguyễn, ông được thăng tới Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền Tây Nam bộ. Ông còn khai sinh Hội thơ Chiêu Anh Các nổi tiếng và là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thơ ca, nghệ thuật, triết luận.
NGHIÊM VÕ CHIÊU - Canh Tuất 1730: Ông quê làng Kỳ Nhai, huyện Thanh Lan (nay là một phần của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ông là danh thần đời vua Lê Hiển Tông và là người giỏi văn chương, giàu tri thức, năm 22 tuổi đỗ tiến sĩ, làm Đãi chế ở Viện Hàn lâm rồi thăng chức Thị lang. Ông rất được nể trọng bởi nổi tiếng hiền hiếu và thường dốc lòng giúp đỡ người nghèo, nên được các sĩ phu đương thời trọng vọng.
NGUYỄN CÔNG TRỨ - Mậu Tuất 1778: Nguyễn Công Trứ, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, quê làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ thời Nguyễn. Ông làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông đỗ giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi, trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm tới Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Ông lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khẳng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại cho đời nhiều giai thoại thú vị.
DƯƠNG LÂM - Canh Tuất 1850: Dương Lâm có hiệu Vân Hồ, Quất Đình, tự Thu Nguyên, Mộng Thạch, là quan nhà Nguyễn, là danh sĩ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XIX. Ông người làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội...). Thân phụ ông là Dương Quang, anh ruột ông là tiến sĩ Dương Khuê. Ông nổi tiếng về tài văn chương, tính tình tao nhã, lại là một nhà giáo có biệt tài. Năm 1878, ông đỗ cử nhân, làm quan tại nhiều địa phương và chủ bút Báo Đồng Văn, sau về triều giữ chức Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Công kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Ông đóng góp nhiệt tình cho công cuộc chấn hưng, phát triển nền giáo dục nước nhà bằng việc biên soạn hệ thống sách giáo khoa mới, thay đổi phép học, cách thi cử.
NGUYỄN VĂN CẨM - Giáp Tuất 1874: Nguyễn Văn Cẩm, tức Kỳ Đồng, người làng Trung Lập (theo cuốn Danh nhân Thái Bình thì quê ông là làng Ngọc Đình), phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông tư chất thông minh lại được cha là nhà nho giỏi dạy dỗ. Từ bé, ông đã cực kỳ thông tuệ, giỏi thơ phú, được vua Tự Đức khen ngợi, ban danh hiệu Kỳ Đồng. Sẵn lòng yêu nước, lại được ngưỡng mộ, 13 tuổi ông được nhân dân tôn làm thủ lĩnh phong trào kháng Pháp. Giặc đàn áp, bắt ông đưa sang Algeria, cho học khoa lý hóa ở một trường trung học. Năm 1896, ông về nước, gia nhập khởi nghĩa của Mạc Đình Phúc, trở thành “Quốc sư” cố vấn. Ông cũng liên kết với khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Giặc phát hiện, bắt ông đem đày chung thân tại quần đảo Polynesia ở Thái Bình Dương.
BẠCH THÁI BƯỞI - Giáp Tuất 1874: Quê ông làng An Phúc (Yên Phúc), huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội). Ông là người có gan làm giàu, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Sinh thời, ông được xếp vào danh sách 4 người giàu nhất Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Trong khát vọng làm giàu của Bạch Thái Bưởi luôn thể hiện tinh thần dân tộc. Ông đặt tên các chiếc tàu mua lại từ đối thủ nước ngoài bằng những tên Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Trong một hội nghị kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, ông bị René Robin, Thống sứ Bắc kỳ lúc đó, đe dọa: Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi. Ông đã đáp lại: Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin.
NGUYỄN THỊ MINH KHAI - Canh Tuất 1910: Quê ở Nghệ An, bà là nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung. Thuở nhỏ, bà học ở Trường Cao Xuân Dục, năm 17 tuổi gia nhập Đảng Tân Việt và có chân trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, bà sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng Đông Phương, Bộ Quốc tế Cộng sản. Năm 1930, bà bị mật thám Pháp bắt ở Hồng Kông, năm 1934 được trả tự do. Cuối năm này, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Nga). Sau đó, họ kết hôn tại đây, rồi cùng vào học Trường đại học Đông Phương Stalin. Năm 1936, bà được phân về công tác ở Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam kỳ và phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30-7-1940, bà bị địch bắt. Trong tù, bà vẫn bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và bị giặc xử bắn ngày 28-8-1941.
NGUYỄN HỮU THỌ - Canh Tuất 1910: Ông sinh tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 1930, ông học luật tại Pháp, trở về nước năm 1933 và hành nghề luật sư khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông luôn bảo vệ công lý, bênh vực người dân vô tội trước tòa án thực dân. Năm 1947, ông đã vận động hàng trăm luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo,... ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Chính phủ Pháp, đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam do Việt Minh lãnh đạo. Tháng 11-1954, ông bị chính quyền Diệm bắt nhưng sau đó được lực lượng cách mạng giải thoát ra vùng chiến khu. Năm 1961, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được cử giữ chức Phó chủ tịch nước, từ năm 1980 làm quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQVN cho đến lúc qua đời (1996).
TẠ QUANG BỬU - Canh Tuất 1910: Ông sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946-1981). Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trong những nhà trí thức tài giỏi của Việt Nam từ khi giành độc lập năm 1945. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.
NGUYỄN TUÂN - Canh Tuất 1910: Quê ông thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ông là nhà văn lớn với sở trường về tùy bút và ký, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996. Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại các tác phẩm văn chương nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà...
ĐỖ NHUẬN - Nhâm Tuất 1922: Quê ông ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Năm 1943, vì in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày lên Sơn La. Thời gian trong tù, ông đã viết nhiều bài hát cách mạng như: “Chiều tù”, “Côn Đảo”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân”, “Viếng mồ tử sĩ”,... Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục sáng tác và hoạt động cách mạng. Ông viết nhiều bài hát nổi tiếng thời bấy giờ: “Nhớ chiến khu”, “Đường trường vô Nam”, “Tiếng súng Nam bộ”, “Bé yêu Bác Hồ”... Thời chiến, ông có những ca khúc: “Du kích ca”, “Đoàn lữ nhạc”, “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Tình Việt Bắc”, “Lửa rừng”, “Tiếng hát đầu quân”, “Áo mùa đông”, “Đèo bông lau”... Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ 1958-1983 và là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng. Đỗ Nhuận còn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết opera với vở “Cô Sao”, cũng là tác giả của bản “Du kích sông Thao” nổi tiếng.
M. Quang (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065