BP - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013 ở Việt Nam cho thấy, có tới 45% doanh nghiệp chi hối lộ năm 2013, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2011 chỉ là 38%. Đồng thời, có 15,8% doanh nghiệp có chi phí không chính thức năm 2011, nhưng đến 2013 đã tăng lên 22,7%. Đáng chú ý nữa là có tới 38,5% doanh nghiệp không chi hối lộ trong 2011 đã thực hiện chi hối lộ trong 2013. Doanh nghiệp chi các khoản này để đối phó với cơ quan, người thu thuế cũng như kết nối với các dịch vụ công. Đây quả là những con số đáng buồn, đáng xấu hổ.
Kết quả trên cũng chỉ ra mối quan hệ giữa hối lộ và biến động của doanh nghiệp, nghiên cứu này còn cho thấy, các doanh nghiệp chi hối lộ không mở rộng thị trường lao động của mình nhiều hơn so với các doanh nghiệp không chi hối lộ. Và các doanh nghiệp chi phí hối lộ cũng có xác suất thoát khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp không hối lộ là 3%. Theo nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, những yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp như nêu trên là không mới. Thực trạng này khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rủi ro cao hơn, chi phí kinh doanh cũng cao hơn, do đó điều kiện để gia nhập thị trường khó hơn.
Bình luận về kết quả điều tra này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có sự minh bạch trong giao dịch công. Bởi chỉ có minh bạch giúp tạo ra một sự công bằng đối với tất cả mọi người. Và một khi ai cũng qua một quy trình như nhau về nộp thuế, nộp bảo hiểm... thì chẳng có lý do gì mà tôi phải “bôi trơn” nhiều hơn so với người khác. Và chi phí bôi trơn ở Việt Nam, nói cho cùng là sản phẩm gắn với với bộ máy nhà nước, quy định do Nhà nước đặt ra... Do đó, chỉ có Nhà nước chủ động quy định lại cho văn minh hơn, minh bạch hơn và làm rõ trách nhiệm của mình, cương quyết trừng trị thẳng thừng những ai đang trong bộ máy mà không tuân thủ theo quy định mới, thì có thể cải thiện được tình hình.
Vậy giải pháp nào sẽ mang lại hiệu quả trong việc làm giảm nhũng nhiễu từ phía cơ quan công quyền để doanh nghiệp giảm gánh nặng phí “bôi trơn”? Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì việc cần làm trước hết là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục liên quan đến thuế. Bên cạnh đó là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vì, khi người dân, doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế thông qua máy tính sẽ giảm được phiền hà, sách nhiễu.
Với cách làm này chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề hết sức căn cơ, đó là giảm thời gian và chi phí của doanh nghiệp cho các thủ tục hành chính. Mà giảm thời gian cũng có nghĩa là giúp Nhà nước thực hiện được cải cách hành chính, cải cách bộ máy của mình. Lúc đó, không có lý gì phải giữ đội ngũ cán bộ thuế, bảo hiểm xã hội... đông như hiện nay. Và một khi bộ máy giảm, cán bộ được tăng lương gấp đôi, gấp ba thì chắc chắn sẽ bớt tiêu cực.
Vĩnh Hòa
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065