“BÍ KÍP” CỦA NỎ THỦ
Ông Điểu Mét (50 tuổi) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) được mệnh danh là vận động viên bắn nỏ “bách phát nhất hồng tâm”. Bằng chứng là ông sở hữu trên 30 tấm huy chương ở bộ môn bắn nỏ trong và ngoài tỉnh. Ông không nhớ mình biết bắn nỏ từ khi nào, chỉ biết lớn lên thì cây nỏ đã được khoác trên vai và săn bắn thú rừng thành thục. “Hằng ngày đi làm rẫy, tui vẫn thường đem theo nỏ để bắn những con thú phá hoại mùa màng. Một trong những cách để trở thành xạ thủ chuyên nghiệp là luyện bắn cheo, sóc rừng. Sóc thường nhảy nhót trên cây nên phải tính tốc độ di chuyển để ngắm bắn sao cho mũi tên trúng đích. Bắn nỏ giỏi cần có chút năng khiếu, con mắt phải tinh, nhanh trí, bình tĩnh, đôi tay khỏe, chân không run, hơi thở phải đều thì tên bắn ra mới trúng” - ông Điểu Mét bật mí.
Ông Điểu Mét truyền bí quyết bắn nỏ cho con cháu với mong muốn phát huy giá trị văn hóa của dân tộc
Trải qua các cuộc thi bắn nỏ lớn nhỏ như đại hội thể dục - thể thao, liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số huyện, tỉnh, thi dân quân tự vệ giỏi các cấp, giao lưu văn hóa các dân tộc... cứ đi thi là ông giành huy chương. Những tấm huy chương được ông treo khắp nhà để con cháu thấy đó làm gương mà noi theo. Tiếp nối thành tích của cha, các thành viên trong gia đình ông Điểu Mét từ con gái, con trai, con rể đều học bắn nỏ để phát huy truyền thống của người S’tiêng. Không chỉ cần cù, chịu khó, thường xuyên tập luyện, ông còn tập hợp thanh niên yêu thích môn bắn nỏ trong ấp để truyền cho họ ngọn lửa đam mê, hình thành ở họ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
“Tui tập cho bọn trẻ cách làm nỏ, lên dây, ngắm bắn rồi mới ra thực địa bắn bia từ 5-20m. Bao giờ tui cũng nhắc chúng phải kéo dây bằng hai tay và lực phải đều nhau, tâm phải tĩnh, nín thở rồi mới nhả cò. Để các cháu có hứng thú với môn thể thao truyền thống này, tui giảng cho các cháu biết bắn nỏ bắt nguồn từ đâu, ý nghĩa của nó như thế nào và điều quan trọng nữa là phải truyền lại bí quyết tự tay làm nỏ cho các cháu để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Hy vọng bọn trẻ thấy cách tui làm mà noi theo để nỏ của người S’tiêng không bị mai một” - ông Điểu Mét trăn trở.
“Cha luôn dặn anh em tôi dù có bận đi rừng, làm rẫy kiếm sống thì cái đầu cũng đừng nghĩ đến chuyện bỏ môn bắn nỏ vì đây là văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Không chỉ học bắn nỏ mà còn phải học làm nỏ để truyền lại cho con cháu đời sau”. Chị Thị Mường, con gái ông Điểu Mét chia sẻ |
Từ nhỏ ông Điểu Mét đã theo cha vào rừng chặt cây về làm nỏ. Ông cho biết: “Trước kia, muốn làm nỏ chỉ cần vào rừng chọn cây ưng ý rồi đánh dấu. Mùa khô thường vào những tháng cuối năm, thân cây không chứa nước thì vào rừng hạ cây mang về để khô, treo lên gác bếp hong khói cho chắc. Sau đó, lấy dao đẽo thành từng khúc cây đều nhau, dài khoảng 50-90cm tùy theo độ lớn của chiếc nỏ cũng như sức khỏe của người cầm. Sau khi đẽo xong, thử độ cân xứng của nỏ bằng cách lấy một sợi dây cột ở giữa treo lên như chiếc cân rồi chỉnh cho đều đến khi hai bên phải cân xứng nằm song song với mặt đất. Việc tạo độ cong cho cánh nỏ rất quan trọng vì nếu cánh nỏ không đều, mũi tên sẽ đi không chính xác. Dây nỏ làm bằng cây mây hoặc cây gai. Sau khi chặt về ngâm nước để tạo độ dẻo, làm tơi ra và bện dây vào nhau như bện tóc đuôi sam. Cột dây vào cánh nỏ phải căn tỷ lệ để dây có độ căng tuyệt đối”.
Làm xong nỏ, ông Điểu Mét lại tỉ mỉ thử. Ông phải thử tới, thử lui nhiều lần để phát hiện ra lỗi rồi khắc phục. “Tùy từng loại nỏ, tư thế bắn cũng khác nhau”. Vừa dứt câu, ông lẩy cò, mũi tên vụt bay và cắm ngay vào hồng tâm tấm bia cách đó khoảng 20m. Rồi ông nói tiếp: “Muốn đạt điểm cao, cung tên phải do mình tự làm như vậy mới ưng cái bụng. Tên bắn phải chọn tre lồ ô già, đặt trên giàn bếp hong khô, cứng, sau đó đem vót và nắn cho thẳng để nỏ và tên khớp nhau. Trong 10 cây tên mình vót ra, chỉ chọn được khoảng 3 cây có thể bắn chuẩn nhất”.
Hết mùa rẫy hoặc kết thúc hội thao, ông Điểu Mét lại tháo dây để cánh nỏ luôn có một lực nhất định, cũng là cách tạo cho dây nỏ không bị giãn. Nơi cất giữ nỏ duy nhất là trên giàn bếp để tránh mối mọt.
“SĂN” THÀNH TÍCH VÀNG
Việc sử dụng nỏ để săn bắt giờ không còn phù hợp nhưng để nhắc lại truyền thống đấu tranh sinh tồn của tổ tiên nên vào dịp lễ, tết, các cuộc thi bắn nỏ được tổ chức để nhớ về cội nguồn dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc anh em giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết. Từ đó xuất hiện nhiều nhân tố trẻ có năng khiếu được chọn đi thi đấu các hội thao trong và ngoài tỉnh. Làm quen với môn bắn nỏ năm 2013, từ đó đến nay chưa năm nào chị Đàm Phi Lương (25 tuổi), dân tộc Nùng ở ấp 4, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) để tuột khỏi tay tấm huy chương vàng các kỳ hội thao lớn nhỏ trong tỉnh.
Chị Đàm Phi Lương tự hào với những tấm huy chương từ môn bắn nỏ
Hết giờ làm ở công ty, chị Lương lại miệt mài luyện tập, điều chỉnh khung ngắm và học hỏi thêm kỹ thuật bắn nỏ ở những người lớn tuổi trong thôn. Chìa đôi bàn tay hằn những vết sần chai, đặc trưng của vận động viên bắn nỏ, chị Lương chia sẻ: “Trước kia mình chơi rất nhiều môn thể thao nhưng từ khi làm quen với môn bắn nỏ, mình luyện tập hằng ngày để rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn. Từ mục đích dùng nỏ để săn bắn của ông bà ngày xưa, nay bắn nỏ đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người mến mộ. Môn thể thao này đòi hỏi người chơi có sự hiểu biết, khổ luyện và nhiều “ngón nghề” để mỗi khi giương nỏ là một lần trúng đích. Người bắn nỏ phải bình tĩnh, tập trung, tay chắc để giương nỏ và cách kéo dây nỏ cũng rất quan trọng. Phải kéo từ từ để cánh nỏ cân bằng, bắn tên theo nguyên tắc “súng ăn lên, tên ăn xuống”. Để có thể gắn bó và đạt nhiều thành tích với môn này, đòi hỏi người cầm nỏ phải thực sự đam mê và kiên trì luyện tập”.
Ngày xưa cây nỏ là phương tiện săn bắn, vũ khí chiến đấu bảo vệ bản làng. Ngày nay, nỏ là dụng cụ rèn luyện sức khỏe, là biểu tượng văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để duy trì, phát triển môn bắn nỏ, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đưa bắn nỏ trở thành môn thi đấu tranh giải trong các kỳ đại hội thể dục - thể thao cấp quốc gia.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065