Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Bình Phước. Trong nắng xuân ấm áp hay bên bếp lửa hồng, các thế hệ ông bà, cha mẹ ôn lại truyền thống gia đình, quê hương, dòng họ; kể cho con cháu nghe những câu chuyện đẹp, lưu giữ các giá trị truyền thống, lòng nhân ái, đức hy sinh và nghị lực vượt khó của con người. Chúng tôi - những người làm báo cũng xin gửi tới quý độc giả chuyện về các gia đình vượt khó, hiếu học trên đất Phú Riềng hôm nay.
CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ
Gần đến tết, chị Nguyễn Thị Xuân (1970) ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) vẫn cặm cụi với công việc thu lượm ve chai như thường nhật. Chị bảo đây là thời điểm người dân dọn dẹp nhà, đồ phế phẩm nhiều nên phải tranh thủ đi làm để có thêm thu nhập. Khi vựa ve chai xuất hàng, chị Xuân ra phụ việc hoặc vào các lô cao su ở các xã Long Hà, Bù Nho, Long Tân... lượm thêm ít ni-lon che miệng cao su được công nhân gỡ xuống khi mùa khô đến.
Với nghề lượm ve chai, chị Xuân đã cùng chồng dựng xây gia đình hạnh phúc
Sinh ra trên mảnh đất Quảng Ngãi, chị Xuân vào làm công nhân lò gạch ở Phú Riềng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. 7 năm sau, các lò gạch đóng cửa. Không nghề nghiệp, không đất canh tác, chị cùng chồng bồng bế con lên thành phố Hồ Chí Minh tìm kế mưu sinh. Nhưng tiền nhà trọ, tiền ăn hàng tháng đắt đỏ khiến anh chị phải rời bỏ thị thành trở về Bình Phước và xin nhập hộ khẩu vào nhà người quen để các con được đi học. Anh làm thợ bốc vác bữa được bữa chăng; chị bắt đầu công việc thu lượm ve chai.
Qua bao gian khổ, thiếu thốn, chị Xuân đã cùng chồng xây dựng được căn nhà nhỏ và nuôi 2 con khôn lớn. Chị tự hào khi con gái đầu Nguyễn Thị Quỳnh Như (1995) cùng lúc thi đậu 2 trường đại học vào năm 2013 là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Sài Gòn. Ngắm xấp bằng khen, giấy khen thời phổ thông của con gái, chị Xuân rưng rưng: “Ba mẹ nghèo nhưng con học được, chị cũng mừng lắm. Tài sản lớn nhất của mình là con cái, mình phải cố gắng, nghèo đói mấy cũng ráng lo cho con ăn học nên người”. Càng thương con, chị Xuân càng cố gắng hơn, chịu khó trong công việc và chắt chiu tiết kiệm hơn các khoản chi tiêu hàng ngày.
Năm nay, gia đình chị Xuân dự tính đón tết thật tiết kiệm: “Anh chị sẽ nấu mấy đòn bánh tét cúng ông bà, tổ tiên; mua ít bánh kẹo và vài lon nước ngọt để vợ chồng, con cái đón tiếp bạn bè, hàng xóm. Phần mình cũng không sắm sửa gì thêm để tiết kiệm tiền lo cho các cháu ăn học”. Ước mơ lớn nhất lúc tết đến xuân về của chị Xuân là cùng chồng xây dựng mái ấm gia đình hòa thuận, là điểm tựa vững chắc để các con phấn đấu học tập, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
TÚP LỀU TRANH VÀ NHỮNG TRÁI TIM VÀNG
Trong căn nhà trọ chật chội ở mặt đường Phú Riềng Đỏ thuộc thôn Phú Hưng, xã Phú Riềng anh Nguyễn Bá Ngọc vẫn ráng sửa những sản phẩm cuối cùng để giao cho khách trước khi tết đến. Chưa có nhà ở, phòng trọ này đã gắn bó với gia đình anh Học hơn mười năm nay. Và đây cũng thực sự trở thành “túp lều tranh chứa những trái tim vàng”. Một gia đình hòa thuận, vợ chồng con cái yêu thương, quý trọng và chia sẻ với nhau những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, anh Học rời quê hương Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp lên Bình Phước mưu sinh. Tại đây, anh gặp và kết hôn với chị Lê Thị Nụ - người con gái xứ Thanh hiền lành, chất phác. Vợ chồng son với đôi bàn tay trắng, anh chị thuê một căn phòng nhỏ để xây dựng ước mơ. Chồng sửa xe đạp, vợ làm phụ hồ và lượm ve chai. Vậy mà bên trong căn phòng trọ ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Hạnh phúc lớn nhất của anh chị là vợ chồng hòa thuận và 2 con gái chăm ngoan, học giỏi.
Căn phòng trọ sạch sẽ, chiếc bàn học của con gái út Nguyễn Diệu Như Ý được sắp xếp gọn gàng. Các chú thích toán học, vật lý, anh văn, lịch sử... được dán trên kệ rất khoa học. Như Ý đang học lớp 12A2, trường THPT Phú Riềng. Học giỏi đều tất cả các môn nên Như Ý đã giành được học bổng “Tiếp sức đến trường” và “Chung một ước mơ”. Sau giờ lên lớp, Ý thường phụ giúp ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt đồ. Như Ý bộc bạch, em sẽ phấn đấu thi đậu vào đại học Kinh tế Luật (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh) để không phụ công ơn sinh thành của ba mẹ và sự dạy bảo của thầy cô.
Chỉ chúng tôi dòng chữ “Chưa học bài xong thì chưa đi ngủ; chưa học bài xong thì chưa đi chơi”, anh Học vui vẻ: “Mấy dòng chữ này là do sắp nhỏ nhà tui viết đó”... Nhờ tự ý thức học tập nên 2 con gái của vợ chồng anh chị học giỏi, nhận được nhiều giấy khen của trường THPT Phú Riềng và UBND huyện Bù Gia Mập. Con gái lớn Nguyễn Diệu Như Hiền hiện đang học năm 2, khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hết hè năm nhất, Hiền đi làm để tự trang trải thêm cuộc sống, giúp ba mẹ tập trung lo cho Như Ý học năm cuối cấp.
Chia sẻ việc chuẩn bị đón tết và dự định trong năm Giáp Ngọ 2014, chị Nụ cho biết gia đình sẽ đón tết tiết kiệm nhưng đúng phong tục truyền thống mà ông bà để lại. Xuân đến, vợ chồng anh Học - chị Nụ khấp khởi vui mừng chuẩn bị đón con gái đi học xa về. Cả gia đình lại cầu chúc những điều hạnh phúc, tốt đẹp nhất sẽ đến với các thành viên. Họ lại cho nhau niềm tin, tình yêu và những hy vọng để cùng vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065