BP - Cứ đến tháng 7, màu áo xanh tình nguyện lại tỏa về mọi miền quê của Tổ quốc để thực hiện “3 cùng” với nhân dân. Theo lời hẹn, mùa hè năm 2017, tại mặt trận Bình Phước đón trên 350 sinh viên tình nguyện của Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Với khẩu hiệu “Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”, các chiến sĩ tình nguyện Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng những công trình thanh niên hữu ích cho địa phương mà còn để lại tiếng cười ấm áp trong lòng người dân Bình Phước.
Ở DÂN THƯƠNG, LÀM DÂN TIN, ĐI DÂN NHỚ
Trung tuần tháng 7, chúng tôi có mặt tại địa bàn Hớn Quản khi các bạn sinh viên của Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh bước vào tuần thứ 2 của đợt 1 chiến dịch tình nguyện. Mặc dù mới học xong năm thứ nhất, thứ hai đại học, thậm chí nhiều bạn vốn là “cô chiêu, cậu ấm” ở các thành phố lớn nhưng đã hăng hái tham gia chiến dịch bằng nhiệt huyết và hành động thiết thực. Những nơi bước chân tình nguyện đi qua đều khiến “dân thương, dân tin và dân nhớ”.
“CẬU ẤM, CÔ CHIÊU” ĐI TÌNH NGUYỆN
Trong hơn 350 chiến sĩ tình nguyện về với mặt trận Hớn Quản đợt 1 năm 2017 có không ít sinh viên là cậu ấm, cô chiêu chưa từng đụng tay vào bất cứ công việc nặng nhọc nào. Tuy nhiên, khi đến với mặt trận tình nguyện ở miền đất đỏ Bình Phước, các bạn đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng người dân nơi đây.
Lãnh đạo huyện Hớn Quản thăm và tặng quà sinh viên tình nguyện
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), Liên Kim Nguyên (dân tộc Hoa), sinh viên năm nhất ngành Quản trị chất lượng, từ trước tới nay ngoài học chỉ biết chơi điện tử. Cậu ấm này không biết cầm chổi quét nhà, giặt quần áo... bởi mọi việc đã có người giúp việc. Thế nhưng, những ngày về tình nguyện trên miền đất nghèo xã Tân Lợi, Nguyên phải làm việc như bao chiến sĩ khác. Nguyên cười tươi chia sẻ: Lần đầu tiên đi tình nguyện ở Bình Phước, em đã rất lúng túng với mọi việc như quét nhà, giặt quần áo, nhóm lửa... Đến nay, sau những ngày sống chung, cùng giúp dân, em đã rất phấn khích khi tự cầm chổi quét nhà, dùng cuốc xới đất, cuốc cỏ, đào hố, sơn nhà, mang vác các vật nặng... Không những vậy, khí hậu Bình Phước ôn hòa, người dân thân thiện, hiếu khách và thương yêu chúng em như con nên em đã tăng ký. Ở Sài Gòn, bình thường sau 12 giờ đêm mới ngủ thì ở vùng quê yên ả này em đã ngon giấc từ 10 giờ tối. Em thấy hành trình tình nguyện đã cho em nhiều kỷ niệm đẹp và ý nghĩa.
Nước da đã chuyển màu bánh mật, di chuyển nhanh nhẹn trên các địa hình và năng động giải quyết mọi việc trong vai trò thủ lĩnh đội hình thường trực xã, không ai nghĩ Hoàng Thị Thu Hường, sinh viên năm thứ ba, khoa Kế toán là cô chiêu ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Lần thứ hai về Bình Phước nên Thu Hường năng động, sáng tạo, điều hành đội hình giúp dân nhiều hoạt động thiết thực như vệ sinh môi trường, tổ chức sân chơi hè cho thiếu nhi, ôn tập các lớp học hè, thực hiện công trình thanh niên sửa đường nông thôn, sơn sửa nhà văn hóa, trường học, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách... Cắm chốt tại sóc Xoài - sóc nghèo nhất xã Tân Hưng, cách trung tâm xã khoảng 5km, Thu Hường vẫn đều đặn “cưỡi con ngựa sắt cũ” tới động viên chiến sĩ tại các điểm hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp dân. Thu Hường cho biết: Lần trước em về tình nguyện ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp) nhưng mọi thứ không khó khăn như ở sóc Xoài. Ở đây, sau những ngày mưa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Em đã bị “đo đường” nhiều lần, có lần xe đè lên người để lại vết thương nhưng em vẫn phải đến các điểm đóng quân nắm bắt tình hình.
Ở DÂN THƯƠNG, ĐI DÂN NHỚ
“Các cháu xông xáo, tích cực lắm! Trời nắng chang chang, các cháu vẫn miệt mài làm, thương lắm!”. Cụ Đặng Thị Khiếng (78 tuổi) ở ấp Quản Lợi, xã Tân Lợi, khen ngợi những sinh viên tình nguyện. Cụ Khiếng còn cho biết: “Thấy các cháu vất vả, người dân thi thoảng cho thêm chút thịt, trứng, rau, trái cây... Hôm các cháu làm đèn đường chiếu sáng, cô Hương ở đầu đường đã đi chợ từ sớm để nấu cho đội bữa trưa chất lượng. Người dân ở đây ai cũng quý và thương các cháu...”.
Thu Hường cho biết thêm: Mỗi ngày chúng em được chi 120 ngàn đồng tiền ăn cho 12 chiến sĩ. Do đó, đội phụ trách hậu cần luôn tiết kiệm, tính toán để bảo đảm bữa ăn phù hợp, đủ chất. Có những ngày thức ăn mua về bị mèo ăn vụng, cô bạn phụ trách thực phẩm ngồi khóc tu tu không biết phải làm sao. Nhưng may mắn, sau đó các cô chú trong sóc mang thịt, cá, trứng tới cho nên bữa ăn hôm đó vẫn đảm bảo. Chúng em rất vui, xúc động trước tình cảm của người dân tại mỗi điểm đóng quân. Thậm chí, chúng em còn được các cô, chú đồng bào S’tiêng chiêu đãi món cơm lam, canh thụt... rất đặc trưng và ngon, lạ. Đây là kỷ niệm đáng nhớ vì lần đầu tiên chúng em không chỉ được ăn mà còn chứng kiến cách chế biến cơm lam và món canh độc đáo của đồng bào S’tiêng.
Các hoạt động tình nguyện của sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã được nửa hành trình. Nơi mỗi bước chân các bạn đi qua đều để lại những công trình, phần việc chất lượng, tạo niềm thương yêu và cảm kích trong lòng người dân. Việc làm của các tình nguyện viên cũng đã nhen lên tinh thần lao động, phong trào hoạt động vì cộng đồng trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065