Người ta đã tìm thấy những bức thư ấy thật tình cờ. Đó là khi nghiệm thu công trình đường ống dẫn nước trong khu Thành cổ thì có một đoạn ống cao hơn thiết kế 30cm. Đào sâu xuống dưới là một căn hầm trú ẩn có bốn bộ hài cốt liệt sĩ. Trong số những di vật để lại, người ta đã tìm thấy những bức thư và những bức ảnh còn khá nguyên vẹn. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó, tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Lần theo nội dung trong bức thư, đã dẫn đến một cuộc hội ngộ muộn màng, một cuộc đoàn viên đầy nước mắt vì sau ba mươi năm, bức thư đã minh oan cho thân phận một người vợ, một người con của liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc.
Ngày 8-5-2012 là ngày thứ tư hành trình du khảo về nguồn của lớp cao cấp chính trị K7 Bình Phước, cũng là chặng đường để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất đối với các thành viên trong đoàn, bởi nơi chúng tôi dừng chân là một địa danh lịch sử đặc biệt: Thành cổ Quảng Trị.
Mới 9 giờ sáng nhưng tiết trời đã rất oi bức. Xuống xe, ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị được đặt trên một khu đất tự tạo rất cao. Gió lồng lộng thổi. Sau khi thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, người hướng dẫn viên đưa chúng tôi xuống hầm, nơi lưu giữ những hành trang của người lính. Một chiếc ba lô, một chiếc ruột tượng, đôi dép cao su, mũ tai bèo, bình toong, bát sắt, cây súng và một vật dụng khá đặc biệt là chiếc xẻng.
Nhiều thành viên trong đoàn rớm lệ trước hành trang đơn sơ của người línhv
Trong đoàn của chúng tôi, không ít người từng là lính Cụ Hồ, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam của Tổ quốc. Có người là thương binh. Vì thế, hành trang người lính là những vật dụng chẳng lạ lẫm gì. Bản thân tôi cũng là một người lính, nhưng không hiểu sao, khi đứng trước hành trang người lính được đặt trong tủ kính nơi Thành cổ này, ánh nhìn của ai cũng đều mang một vẻ tôn nghiêm, khác hẳn vẻ hoạt náo thường thấy trên suốt dọc hành trình.
Tiếng người thuyết minh trầm ấm, giới thiệu với đoàn về lịch sử 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của những người lính Thành cổ Quảng Trị. Qua lời anh, chúng tôi hình dung ra mưa bom bão đạn - những trận mưa, trận bão đúng với nghĩa đen mà những người lính phải chịu đựng. Trong 81 ngày đêm tạc vào lịch sử đó, Mỹ - ngụy đã rải xuống thị xã Quảng Trị 328 ngàn tấn bom, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hy-rô-si-ma và Na-ga-xa-ky của Nhật Bản. Trung bình một ngày đêm, mỗi chiến sĩ Thành cổ phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Vì thế, bốn bức tường thành cổ dày 12m cứ vỡ dần, không chỉ vì bom đạn ném trúng mà cả vì sự chấn động khủng khiếp từ lòng đất. Trong hoàn cảnh ấy, những người lính vẫn ngoan cường chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất của Thành cổ.
Nhưng điều làm tôi và các thành viên trong đoàn phải thổn thức rơi lệ là khi người hướng dẫn viên giới thiệu những bức thư - những bức thư từ trong lòng đất của người lính Thành cổ. Ngày ấy, trước khi bước vào trận đánh khốc liệt nhất, có người đã linh cảm được sự hy sinh của mình và đã viết thư cho gia đình, cho những người mẹ, người vợ. Họ linh cảm được cái chết, nhưng vẫn viết bằng những lời thật bình thản. Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh viên đại học Xây dựng năm thứ tư, khoa Cầu đường, quê ở Thái Bình viết cho mẹ trước khi hy sinh ba tháng, trong thư có đoạn. “Toàn thể gia đình kính thương. Con viết mấy dòng cuối trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Cho người vợ mới cưới và mới chỉ sống với nhau được 6 ngày, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết: “Lá thư này đến tay em là nỗi buồn lớn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Chúng ta sống với nhau chưa được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao tình yêu thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp đã phải xa nhau mãi mãi”.
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng này vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi sự khốc liệt của bom đạn đã đến độ tột cùng. Điều kỳ diệu là anh đã dự cảm đúng ngày anh hy sinh, cũng là ngày kỷ niệm tròn một năm ngày cưới. Trong thư, anh còn chỉ dẫn để người vợ tìm đến nơi anh đã hy sinh. Nhiều năm sau, khi bức thư về với người thân, gia đình liệt sĩ Huỳnh đã tìm được hài cốt anh đúng như chỉ dẫn trong thư. Và người vợ của liệt sĩ Huỳnh dù chỉ sống bên anh được 6 ngày đã ở vậy thờ chồng cho đến hôm nay.
Người thuyết minh đã dừng lời, nhưng cả đoàn mấy chục con người không một ai cất tiếng. Chỉ nghe tiếng gió thì thầm trên những tán lá. Chỉ thấy những bờ vai rung lên, những gương mặt dàn dụa nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào. Đứng cạnh tôi là một người đàn ông cao lớn vạm vỡ của đoàn khách Hải Phòng nhập cùng đoàn Bình Phước để nghe thuyết minh. Anh khóc nức nở như một đứa trẻ, mặc cho nước mắt nước mũi chảy tràn trên gương mặt gân guốc.
Chúng tôi rời Thành cổ Quảng Trị trong một tâm trạng trĩu nặng. Trời vẫn nắng gắt nhưng chợt thấy trên da lành lạnh. Màu trời Quảng Trị vẫn xanh hiền hòa. Nhưng dưới lòng đất này, xương cốt của bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vẫn còn bị vùi lấp. Máu của các anh đã thấm vào từng tấc đất, thấm vào từng nhành cây, ngọn cỏ. Nơi đây, không có bia mộ riêng cho từng liệt sĩ, chỉ có một đài tưởng niệm chung cho hàng ngàn liệt sĩ. Bao nhiêu danh phận đã được trả lại tên một cách tình cờ như liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, liệt sĩ Lê Binh Chủng cùng người vợ và người con của anh. Và còn bao nhiêu người nữa vẫn còn là liệt sĩ vô danh dưới lòng đất mẹ!?
Ngoái nhìn đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ lần cuối khi xe đã từ từ lăn bánh, tôi chợt nhớ câu thơ rất cảm động của tác giả Lê Bá Dương, người cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị:
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...
Nguyễn Thanh Thủy
(Học viên lớp cao cấp chính trị K7 Bình Phước)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065