Học sinh Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh B, huyện Lộc Ninh trong giờ học
Không phải ngẫu nhiên 2 cô được bình chọn tôn vinh, mà là cả quá trình phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người” hàng chục năm qua. Ngoài giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, điểm chung của 2 cô là có tình thương yêu, trách nhiệm đặc biệt với học sinh nghèo, khó khăn, cá biệt.
“Bà đỡ” của học sinh nghèo
Lê Thái Tôn và Lê Công Vinh là 2 anh em sinh đôi trong gia đình nông dân đông con. Những năm trước, con đường học tập của 2 em cũng thuận lợi như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng nguy cơ các em phải bỏ học vào giữa năm lớp 10, khi cha các em - lao động chính, trụ cột của gia đình trở bệnh nặng. Như một phép màu, 2 em được một cô giáo nhận đỡ đầu, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí, tư trang giúp các em vươn lên trong học tập. Hiện 2 em Tôn và Vinh đang là học sinh lớp 12A3, lớp chọn Văn của Trường THCS&THPT Tân Tiến. Cô giáo đặc biệt ấy là Nguyễn Thị Hiên, giáo viên dạy Văn của ngôi trường mà 2 em đang theo học. Và anh em Tôn, Vinh chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp được cô Hiên cùng đồng nghiệp đã, đang quan tâm, giúp đỡ.
Tuổi thơ của cô Hiên cũng khó khăn, nghèo khổ nhưng được cha mẹ yêu thương, thầy cô quý mến, tạo mọi điều kiện để được đến lớp. Khi ước mơ được đứng trên bục giảng trở thành hiện thực, cô tìm mọi cách giúp các em khó khăn vươn lên như chính mình.
Nhưng “cánh én chẳng làm nên mùa xuân” khi mà hằng năm trường có khoảng 150 học sinh nghèo, khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ. Được tín nhiệm bầu làm Chi ủy viên, Chủ tịch công đoàn, điều đầu tiên cô Hiên nghĩ đến là làm sao huy động cả tập thể chung tay giúp đỡ học sinh nghèo. Cô đã tham mưu chi bộ thực hiện mô hình “Mỗi đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 1 học sinh nghèo”, trong đó cô là người tiên phong thực hiện. Sau 3 năm triển khai, đến nay 31 đảng viên chi bộ đều nhận giúp đỡ học sinh nghèo, khó khăn. Đối với công đoàn, cô xây dựng mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
Ngoài những tiết dạy sôi nổi, hứng thú, hấp dẫn, cô Nguyễn Thị Hiên còn truyền giảng những kỹ năng sống quan trọng cho học sinh
Trường có 7 tổ chức, đoàn thể thì tất cả đều thực hiện mô hình “Nuôi heo đất” tiết kiệm giúp học sinh nghèo. Bình quân 1 tổ chức, đoàn thể mỗi năm tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng giúp đỡ 1 học sinh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cô còn tham mưu Đoàn trường thực hiện mô hình “Nuôi heo đất” tại chi đoàn các lớp, quyên góp giúp bạn cùng tiến. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó, nhiều năm qua Trường THCS&THPT Tân Tiến không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Tận tâm với học sinh nghèo, những học sinh nguy cơ bỏ học cũng được cô tìm mọi giải pháp vận động trở lại lớp. Cô Hiên kể: Năm học 2014-2015, tôi vào ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến vận động học sinh nữ trở lại lớp. Ban đầu, tôi không được đón tiếp vì học sinh sắp “lên xe hoa” theo phong tục của người Nùng. Không thể để lãng phí 12 năm đèn sách, tôi tìm mọi cách tiếp cận gia đình để trao đổi, giải thích cặn kẽ. Cuối cùng tôi đã thuyết phục được em đến lớp và nhận được bằng tốt nghiệp THPT. Và việc làm đó cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong toàn trường, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, luôn đảm bảo chỉ tiêu trên giao.
Điều đặc biệt nữa ở cô Hiên là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề. 18 năm trong nghề thì 15 lần cô Hiên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, 3 lần cấp tỉnh. Vì thế, cô được Ban giám hiệu tín nhiệm giao phụ trách đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp. Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020-2021, môn Văn do cô Hiên đào tạo, bồi dưỡng có 6 em đạt giải. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trường vinh dự đạt 1 giải nhất môn Văn, đó là em Phạm Thị Hồng, lớp 12A1. “Bên cạnh những tiết dạy sôi nổi, hứng thú, hấp dẫn, cô Hiên còn truyền giảng những kỹ năng sống quan trọng. Những năng lượng tích cực này rất cần thiết, bổ ích đối với học sinh lớp 12 trước khi bước vào đời và giảng đường đại học. Đặc biệt, trong các bài học, cô luôn lồng ghép giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm giúp chúng em sống hòa đồng, yêu thương mọi người hơn” - em Phạm Thị Hồng nói.
Tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, cô Hà Thị Tuyết Trinh luôn được phụ huynh, học sinh tin yêu và đồng nghiệp quý mến
“Bao nhiêu thời gian, công sức đều cống hiến cho ngành giáo dục”
Đó là tâm sự rất chân thành của cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh B, huyện Lộc Ninh khi nói về cô Hà Thị Tuyết Trinh. “Không chỉ tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, những việc khó, những lớp đông học sinh cá biệt, chưa ngoan hay phụ huynh khó tính thì cô Trinh đều nhận về phần mình. Vì thế, cô luôn được phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp quý trọng. Và những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh... là những minh chứng cho sự miệt mài, âm thầm lặng lẽ của cô Trinh hàng chục năm qua. Đặc biệt, những đóng góp, cống hiến đó đã góp phần đưa Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh B nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn dẫn đầu phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của huyện Lộc Ninh” - cô Hương nói.
Gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Hiên đã nhận bảng vàng thành tích, được Thủ tướng Chính phủ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Cô là điển hình trong học tập và làm theo gương Bác được Tỉnh ủy tuyên dương năm 2019. |
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề, cô Trinh kể: Năm 1999, lớp chủ nhiệm có em L. T. T. T, một học sinh không cha, mẹ bán quần áo dạo kiếm sống, bản thân T bị cận thị nặng, một bên tai bị khiếm thính. T tự ti, học kém và hay trốn học. Để giúp em vươn lên trong học tập, tôi đã nhiều lần gặp phụ huynh trao đổi, tìm hiểu, đồng thời luôn gần gũi, kèm cặp, động viên em. Từ một học sinh rụt rè, nhút nhát, yếu kém, T đã hòa đồng với bạn bè, vươn lên đạt học lực khá. Buổi tổng kết cuối cấp, T cứ ôm cô mà khóc, nước mắt giàn giụa, cô trò cùng khóc… Và T chỉ là một trong hàng trăm học sinh khó khăn, cá biệt khác được cô quan tâm, giáo dục trở thành con ngoan, trò giỏi. Trong đó, nhiều em đã trưởng thành, vào những ngày lễ, tết hay dịp 20-11 hằng năm, các em không quên gọi điện chúc mừng, động viên cô. Đây cũng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời nhà giáo.
26 năm trong nghề thì 20 lần cô Trinh được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp; trong đó, 16 lần cấp huyện, 3 lần cấp tỉnh và 1 lần cấp quốc gia. Đây là thành tích đáng tự hào của người giáo viên mà không phải ai cũng có được. Để trở thành giáo viên dạy giỏi, ngoài sự tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô luôn học hỏi những kinh nghiệm hay, bổ ích từ đồng nghiệp. Vì vậy, dù cô làm chủ nhiệm những lớp có đông học sinh cá biệt nhưng các phong trào thi đua, hội thi luôn dẫn đầu trường.
Những việc làm ý nghĩa, thiết thực, lòng tâm huyết, yêu nghề của các cô Nguyễn Thị Hiên và Hà Thị Tuyết Trinh đã trở thành tấm gương sáng cho đội ngũ giáo viên và các thế hệ học sinh noi theo. Các cô xứng đáng là những bông hoa tươi thắm, những điển hình tiêu biểu đại diện cho các thế hệ cán bộ, giáo viên trong tỉnh vinh dự được Bộ GD&ĐT tôn vinh dịp 20-11 này.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065