Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS & GDTE) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2005.
Sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khi đó, cuộc sống hiện nay đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em như bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em... Trước thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng và trẻ em về sửa đổi Luật BVCS&GDTE trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Bất cập thứ nhất là các quy định về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trong Luật BVCS&GDTE hiện hành còn mang nặng tính định hướng, chưa cụ thể dẫn đến việc nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là Luật BVCS&GDTE mới chỉ đề cập đến 10 nhóm quyền trẻ em (trong khi Công ước quốc tế quy định tới 28 nhóm quyền) và các quyền còn lại được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật khác. Theo kết quả rà soát các văn bản luật hiện hành do Bộ Tư pháp thực hiện thì hiện có tới 22 đạo luật có liên quan đến quyền trẻ em như: Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... Bên cạnh đó, các quy định về quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em, các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em cũng mang tính định hướng, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, dẫn đến nhận thức và việc tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn.
Bất cập thứ hai là luật quy định độ tuổi của trẻ em là từ 16 tuổi trở xuống. Trong khi đó, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, tham gia lại quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi.
Bất cập thứ ba là việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay. Cụ thể là quy trình điều phối, phối hợp các hoạt động bảo vệ trẻ em từ các khâu phòng ngừa, phát hiện, can thiệp đối với trẻ em nói chung, trẻ em có nguy cơ và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa rõ ràng, đồng bộ. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có trên 40 ngàn trẻ em được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 170 ngàn trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22 ngàn trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung. Và mỗi năm, có từ 5.000-6.000 trẻ em được nhận nuôi cả trong nước và quốc tế. Thế nhưng việc giám sát quá trình chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Bất cập thứ tư là việc chăm sóc thay thế hiện nay ở Việt Nam vẫn còn một số khó khăn do pháp luật về chăm sóc thay thế chưa cụ thể. Các quy định về quy trình nhận nuôi, điều kiện để trẻ tiếp nhận hình thức chăm sóc thay thế tại gia đình còn thiếu. Nhất là việc giám sát quá trình chăm sóc thay thế hầu như không được thực hiện, vì còn thiếu đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, giám sát và đánh giá việc chăm sóc thay thế để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm quyền trẻ em được nhận nuôi.
Vì vậy, Luật BVCS&GDTE sửa đổi cần điều chỉnh độ tuổi của trẻ theo Công ước quốc tế là dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, luật mới cần công nhận quyền bảo vệ trẻ em là dành cho tất cả trẻ em, không chỉ dừng lại ở các nhóm cụ thể được xác định trong các văn bản luật. Đồng thời, chuyển đổi phương thức dựa trên các chế tài sang phương thức lấy trẻ em làm trung tâm để xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và thế giới. Và cần có cơ chế tham vấn trẻ em về các vấn đề liên quan; xây dựng một khung về quan sát và đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065