Thứ nhất là về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như mô hình tổ chức của tòa án: Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật Tổ chức tòa án nhân dân, tòa án mới chỉ được ghi nhận là cơ quan xét xử; chưa được quy định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với chức năng đầy đủ bao gồm xét xử và giải thích pháp luật; do đó chưa bảo đảm được vị trí, vai trò của tòa án trong bối cảnh cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, do chưa được nhìn nhận một cách chính xác về chức năng, nhiệm vụ cũng như các nguyên tắc về tổ chức hoạt động tư pháp nên các tòa án đang được tổ chức như các cơ quan hành chính nhà nước.
Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền thẩm phán, nhưng thực tế có như vậy? (Một phiên xét xử phúc thẩm tại TAND tỉnh - Ảnh: T.Phương)
Thứ hai là về cơ cấu tổ chức tòa án nhân dân các cấp, cụ thể là đối với tòa án nhân dân cấp huyện: Theo quy định hiện hành, tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện; có thẩm quyền giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành tòa án. Việc thành lập tòa án nhân dân cấp huyện không căn cứ vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại... dẫn đến tình trạng có nơi quá nhiều việc, có nơi lại quá ít việc.
Mặt khác, cơ cấu bộ máy của tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử, nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác của tòa án, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc về đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên. Bên cạnh đó, trong nhận thức của các ngành, các cấp, tòa án nhân dân cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án, nhất là khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Đối với tòa án nhân dân cấp tỉnh: Theo quy định hiện hành, tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm 5 tòa chuyên trách (tòa hình sự, tòa dân sự, tòa kinh tế, tòa lao động và tòa hành chính); tuy nhiên, số lượng các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình mà tòa án phải giải quyết là rất lớn so với số lượng các vụ án lao động, hành chính, kinh doanh thương mại. Có tòa án nhân dân cấp tỉnh trong năm không thụ lý vụ án lao động nào nhưng vẫn có tòa lao động.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao: Hiện chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử của Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử thời gian qua còn chưa thực sự đi vào nề nếp, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn công tác xét xử. Việc quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp toàn thể để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác của Hội đồng Thẩm phán. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc giám đốc thẩm, tái thẩm quá thời hạn xét xử hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Thứ ba là về phân định thẩm quyền và nhiệm vụ của tòa án các cấp: Theo quy định hiện hành thì thẩm quyền xét xử của mỗi tòa án được xác định vừa theo lãnh thổ vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết, xét xử các vụ án; trong đó tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, còn lại các tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm. Điều này là không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống tòa án. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm, khiến cho mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm bị ảnh hưởng.
Thứ tư là về chế định thẩm phán: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, thì thẩm phán là người “có năng lực làm công tác xét xử” còn chung chung, định tính và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán còn rườm rà; phải có ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, trong khi hướng dẫn về các vấn đề cụ thể có lúc lại chưa kịp thời, rõ ràng dẫn đến việc bổ nhiệm còn chậm trễ. Hơn nữa, nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, tạo tâm lý không yên tâm làm việc của thẩm phán, nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm bổ nhiệm lại. Đây là nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của thẩm phán bị ảnh hưởng.
Thứ năm là về chế định hội thẩm: Một trong những hạn chế, bất cập hiện nay là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa thẩm phán và hội thẩm. Trong khi pháp luật đòi hỏi thẩm phán phải có tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ hơn so với trước đây thì tiêu chuẩn của hội thẩm hầu như không có gì thay đổi qua nhiều năm. Mặt khác, hội thẩm không phải là công chức tòa án. Khi được phân công xét xử thì họ mới đến tòa án để nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa. Các chế độ hiện nay đối với hội thẩm còn thấp, chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa với mức 90.000 đồng/ngày nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử. Khi tham gia xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, trong khi thẩm phán có chế độ phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm nhưng hội thẩm lại không được hưởng các chế độ này.
Thứ sáu là về bảo đảm hoạt động của tòa án: Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các tòa án hiện nay còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử trong điều kiện cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức ngành tòa án còn thấp, chưa thực sự động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, cống hiến và gắn bó lâu dài với ngành, đồng thời chưa có tác dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong ngành tòa án, đặc biệt là những tòa án ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Luật gia: N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065