Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt là luật này đã từng bước giúp tạo ra những thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện... Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Trên diễn đàn của nhiều kỳ họp Quốc hội, có không ít đại biểu đã cụm từ “tham nhũng đã trở thành quốc nạn”. Nguyên nhân của tình trạng trên là do Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành không còn phù hợp với thình hình thực tế của đất nước do có quá nhiều bất cập. Thậm chí có những quy định chẳng những không còn là động lực mà trở thành lực cản sự phát triển của đất nước. Cụ thể là:
Thứ nhất: Các quy định về công khai, minh bạch tài sản và thu nhập của những đối tượng thuộc diện phải kê khai chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp tư nhân được xem là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước. Trong khi đó, những người đại diện theo pháp của các loại hình doanh nghiệp này không phải là đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Và thực tế cho thấy, không ít vụ đưa hối lộ lớn do chính những đối tượng này thực hiện. Bên cạnh đó, luật hiện hành chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch.
Thứ hai: Những quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp và không thường xuyên. Cụ thể là theo quy định hiện hành, việc giải trình chỉ được thực hiện khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, việc giải trình hiện nay chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác. Đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch mới chỉ bó gọn trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Và với quy định này thì làm sao nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội có chức năng giám sát biết được mà thực hiện chức trách cũng như nhiệm vụ của mình. Chính hạn chế này mà các cử tri là những người cầm lá phiếu bỏ cho các vị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp không thể nào biết được người đại diện của mình, cho mình có tài sản, thu nhập như thế nào. Và một khi cử tri đã không biết thì không thể giám sát được.
Thứ ba: Các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chung chung chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Thực tế trong những năm qua cho thấy có nhiều cơ quan, đơn vị mà cấp phó của người đứng đầu thực hiện hành vi tham nhũng trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng người đứng đầu gần như vô can, nếu co thì cũng chỉ thiếu sót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ví dụ như vụ phó giám đốc Sở Giáo thông thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ của nhà thuần nước ngoài lên đến hàng tỷ đồng. Vẫn biết rằng, nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự là ai làm người đó chịu, nhưng trách nhiệm của người đứng đầu đối với Đảng và nhân dân thì không thể vô can. Hơn nữa, với quy định như trong luật hiện hành thì khó có thể khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Chỉ chừng nào trong nội dung của luật quy định rõ cơ chế xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mới đạt hiệu quả cao.
Thứ tư: Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Đặc biệt là đối với những cá nhân có cổ phiểu ưu đãi và những cá nhân có giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chư hết, trong luật hiện hành chưa có cơ chế về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Đặc biệt là luật còn thiếu quy định mang tính bắt buộc về thời hạn đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập thực hiện nghĩa vụ kê khai hoặc giải trình về tài sản, thu nhập của mình.
Thứ năm: Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với những hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng. Chính vì vậy mà hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua chưa cao. Vì trong cơ quan, đơn vị nếu có tham nhũng xảy ra thì không người này cũng có người kia biết, nhưng họ sợ bị trả thù, bị trù dập hoặc chính họ cũng có quyền lợi trong đó.
Vì vậy, dư luận rất đồng tình với việc Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét và sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, điều mà đông đảo người dân mong đợt là những bất cập trên đây sớm được ban soạn thảo xem xét và điều chỉnh trước khi trình ra Quốc hội.
ND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065