Cụ thể là trong dự thảo luật có qua nhiều vấn đề được “chuyển giao” cho các văn bản dưới luật. Thậm chí có những nội dung quan trọng, cần được quy định ngay trong luật để có cơ sở pháp lý cao hơn, nhưng dự thảo luật cũng “chuyển giao”. Ví dụ, như điều 32 là những quy định về “Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư khẩn cấp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, dự thảo luật quy định như sau: 1. Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư khẩn cấp nhằm khắc phục kịp thời các sự cố thiên tai và các trường hợp bất khả kháng khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công tránh thất thoát, lãng phí. 2. Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại điều 18 của luật này và quản lý chặt chẽ phần vốn đầu tư công. Đối với phần vốn đóng góp của các thành phần kinh tế khác vào dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chủ động thực hiện dự án theo đúng mục tiêu đầu tư và cam kết với Nhà nước. 3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư khẩn cấp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trừ các dự án quan trọng quốc gia.
Theo suy nghĩ của người viết thì quy định như trên thực chất ra là luật không quy định gì về việc đầu tư những dự án thuộc diện khẩn cấp và đầu tư theo hình thức công tư (PPP). Trong khi đó, đầu tư các dự án thuộc diện khẩn cấp rất cần được quy định chi tiết hơn ngay trong luật để tránh tình trạng “lạm phát” các dự án “khẩn cấp” nhằm lách luật trong đầu tư công, chẳng hạn, thế nào là thuộc diện khẩn cấp; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp. Đầu tư theo hình thức PPP là hình thức đầu tư rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn. Hơn nữa, PPP là hình thức đầu tư “lồng ghép” về vốn, rất cần có quy định minh bạch trong luật để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Vì vậy, lẽ ra, đầu tư theo hình thức PPP phải là một mục với một số điều, khoản cần thiết trong văn bản luật.
Một bất cập nữa trong dự luật này là quy định tại Khoản 4 điều 12 về nguyên tắc quản lý đầu tư công có nội dung như sau: Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; tránh thất thoát, lãng phí. Thực tế quy định này chỉ là nguyên tắc. Và vấn đề được đặt ra ở đây là hiệu quả của đầu tư công được đánh giá theo những tiêu chí nào? Ai chịu trách nhiệm đánh giá và đánh giá trước hay sau khi đã thực hiện dự án đầu tư công? Những câu hỏi đó khi chưa được trả lời, chắc chắn sẽ có nhiều lập luận định tính, chung chung và cuối cùng là thiếu tính khả thi.
Bất cập thứ ba là trong 106 điều của Dự thảo Luật Đầu tư công không có một điều, hay khoản nào quy định về những hành vi vi phạm trong đầu tư công, mà chỉ có Điều 16 quy định về những hành vi bị cấm trong đầu tư công và Điều 103 quy định về xử lý vi phạm. Và bất cập là ở chỗ không quy định các hành vi vi phạm, tức không chỉ rõ hành vi nào là sai phạm, nhưng lại quy định mức xử lý. Cụ thể, nội dung của Điều 103 có quy định như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Quy định nêu trên có thể được xem như là “mẫu số chung” cho tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Trong khi đó, đầu tư công là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và người quyết định đầu tư là những người có chức, có quyền. Vì vậy, chế tài xử lý vi phạm trong đầu tư công không thể tương tự như xử lý vi phạm ở những lĩnh vực khác. Do đó, luật cần quy định cơ chế “tuýt còi” hoặc đình chỉ ngay những dự án có nguy cơ gây lãng phí, kém hiệu quả từ khi chương trình dự án đó mới hình thành. Chẳng hạn, nhờ báo chí, công luận lên tiếng khá đồng bộ, gay gắt, Chính phủ đã quyết định rút đăng cai Asiad 19 và do đó, hàng loạt dự án đầu tư công nguy cơ lãng phí, kém hiệu quả cao đã không thể thực hiện.
Từ những phân tích trên cho thấy, dự thảo Luật Đầu tư công rất cần quy định cụ thể hơn về xử lý vi phạm trong trong lĩnh vực này. Có như vậy thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, triệt tiêu lợi ích nhóm mới thực sự có hiệu quả.
LG
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065