Giáo viên Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh A chia sẻ về những bất cập của Nghị định 54
Gắn bó với nghề
Đã 29 năm gắn bó với nghề giáo, từng là giáo viên đứng lớp và hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh A (Lộc Ninh), thầy Nguyễn Ý cho biết: “Nghị định 54 đã cổ vũ tinh thần đội ngũ giáo viên, giúp họ cảm thấy được quan tâm và ngày càng tin tưởng vào nghề mình chọn”. Nguồn thu nhập của thầy Ý hiện được cộng dồn từ lương cơ bản với các khoản phụ cấp khác khoảng chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhưng thầy Ý tâm đắc nhất là phụ cấp thâm niên được trích đóng bảo hiểm xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, càng trực tiếp đứng lớp lâu năm, phụ cấp thâm niên tăng thì sau này lương hưu càng cao, đảm bảo cuộc sống khi giáo viên nghỉ hưu.
“Lên chức là mất phụ cấp”
Theo đối tượng và phạm vi áp dụng của Nghị định 54, chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. Các trường hợp không trực tiếp giảng dạy, giáo dục thì không được hưởng phụ cấp thâm niên. Thay vào đó, họ được hưởng chế độ phụ cấp công vụ (25% lương) theo Điều 2, Nghị định số 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ. Thầy Hồ Thế Hùng, chuyên viên phụ trách công tác tổ chức - cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lộc Ninh cho rằng: “Phụ cấp công vụ và phụ cấp thâm niên tính ra ngang nhau nhưng phụ cấp công vụ chỉ được hưởng khi còn công tác, về hưu là hết! Còn phụ cấp thâm niên được tính vào lương hưu nên so ra chúng tôi vẫn thấy buồn”. Thầy Hùng cũng từng có 16 năm trực tiếp đứng lớp, năm 2008 thầy được điều động về Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lộc Ninh công tác cho đến nay.
Một số giáo viên ở huyện Lộc Ninh cho rằng, việc “lên chức - mất phụ cấp thâm niên” đối với người làm công tác quản lý là rất thiệt thòi. Đa số họ là những giáo viên đã nhiều năm đứng lớp, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín, tuân theo sự điều động của tổ chức nhận công tác mới. “Tự hào cũng có nhưng buồn cũng không ít, vì vậy mong nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để những người này tiếp tục cống hiến cho giáo dục” - thầy Nguyễn Ý Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lộc Ninh A chia sẻ.
Thầy Võ Đức Thọ, Chủ tịch công đoàn ngành (Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lộc Ninh) cho biết: “Với vai trò của mình, tôi đã 2 lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội tỉnh tại các cuộc tiếp xúc cử tri; bày tỏ trực tiếp với ngành khi đi tập huấn về công tác công đoàn. Tôi cũng nhận được sự đồng ý của nhiều người ở các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy đã được tiếp thu nhưng chưa biết bao giờ chúng tôi mới có tin vui?”. Mới đây, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30-12-2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54. Tuy nhiên, phạm vi đối tượng Thông tư 29 áp dụng không có những trường hợp này. Đón nhận “tin không vui” trên, những người như thầy Thọ, thầy Hùng cho biết: “Sẽ tiếp tục kiến nghị để được hưởng phụ cấp thâm niên đối với thời gian trực tiếp đứng lớp, vì điều này hoàn toàn hợp lý và công bằng”.
Bất cập của Nghị định 54 nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ tạo trở ngại trong việc bổ nhiệm, điều động cán bộ năng lực về làm công tác quản lý tại sở và phòng giáo dục - đào tạo. Việc này hiện không chỉ ở Bình Phước mà còn diễn ra trên cả nước, trước mắt sẽ dẫn đến thiếu cán bộ quản lý, đây là điều đã xảy ra ở một vài địa phương.
Theo Nghị định 54, mức phụ cấp thâm niên được tính như sau: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”. |
P.Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065