BP - Những ngày qua, dư luận cả nước đều thể hiện rõ sự bất bình trước việc Công ty cổ phần VN Pharma làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg chữa ung thư kém chất lượng. Và ngày 25-8-2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma, 12 năm tù về tội buôn lậu. Khi bản án vừa tuyên xong cũng là lúc dư luận “dậy sóng” vì có nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo VN Pharma buôn thuốc giả, sao lại xử tội buôn lậu?
Chưa hết, dư luận lại một phen bất ngờ vì trả lời phỏng vấn của Báo VietNamNet ngày 30-8-2017, ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma cho biết: Em chồng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế có tham gia Công ty cổ phần VN Pharma của chúng tôi. Ông ấy là Phó giám đốc, phụ trách đầu tư. Và từ thông tin nêu trên, không ít người cho rằng, Công ty VN Pharma buôn thuốc giả trót lọt là nhờ trong ban lãnh đạo của công ty này có người thân của lãnh đạo Bộ Y tế.
Nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng tại phiên tòa - Ảnh: Internet
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí phải tốn công sức và giấy mực để nói về những vụ có liên quan đến những người thân. Vậy người thân theo quy định của pháp luật là bao gồm những ai? Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về vấn đề này là Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Theo đó, tại Khoản 5, Điều 21 về những việc chấp hành viên không được làm có quy định như sau: Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của chấp hành viên; Cháu ruột mà chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 7 của Luật Công chứng 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm có quy định như sau: Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi. Tại Điểm b, Khoản 12, Điều 1 của Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có quy định về mức phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi.
Tại Khoản 19, Điều 3 trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định: Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Còn tại Khoản 3, Điều 6 trong Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về thí điểm hoạt động thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, có quy định: Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Tại Khoản 7, Điều 2 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có quy định cụ thể về người thân thích như sau: Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo có đưa ra quy định về người thân thích của người tố cáo gồm: Vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người tố cáo.
Đặc biệt, trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành cũng có quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều 37 trong luật này có quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, như sau: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Căn cứ vào các quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, thì em chồng là đối tượng được xác định là người thân theo nội dung của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Đồng thời căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về khai lý lịch cán bộ, đảng viên, công chức thì em chồng là đối tượng thuộc diện người thân thích.
Tuy nhiên, nghị định này lại chỉ áp dụng trong việc thí điểm hoạt động thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Còn trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, kể cả Luật Phòng, chống tham nhũng cũng không quy định em ruột của chồng là người thân thích đối với chị dâu. Như vậy, vấn đề người thân thích được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong luật cũng có và nghị định cũng có, nhưng mỗi văn bản lại đưa ra quy định không giống nhau. Vì thế vấn đề này có thể tùy trường hợp mà xem xét, xác định mối quan hệ thân thích. Chính vì kẽ hở này đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đồng nhất và cuối cùng là hiệu lực pháp luật không cao.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065