Sự chờ đợi của cả doanh nghiệp, người dân và công chức
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiên phong triển khai đề án chính quyền điện tử. Sau 5 năm thực hiện (từ 2012-2017), có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trung bình trên 1 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng hằng năm, tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 ngàn hồ sơ được giải quyết mỗi năm giúp tiết kiệm chi phí xã hội trung bình 1 năm trên 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp Quảng Ninh minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu 1 lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều lợi ích rất được người dân hoan nghênh, như kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến ngay tại nhà; đặt lịch hẹn trước qua mạng; hồ sơ được xử lý tập trung, tại chỗ với thủ tục đơn giản, thuận tiện...
Các mối quan hệ cơ bản trong chính quyền điện tử
Xây dựng chính quyền điện tử là nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ngành, đơn vị nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ và kiến tạo. Đồng thời tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.
Khi chính quyền điện tử đi vào hiện thực sẽ làm đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là điều được chờ đợi nhất với cộng đồng doanh nghiệp, người dân và với cả những cán bộ, công chức có trình độ cao, trách nhiệm, tâm huyết trong thực thi nhiệm vụ được giao. Vậy chính quyền điện tử là chính quyền như thế nào mà lại đang được chờ đợi như thế?
Chính quyền điện tử là chính quyền như thế nào?
Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu của chính quyền điện tử là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ.
Mục đích của chính quyền điện tử là làm cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính quyền và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.
Có thể chia làm 4 dạng giao dịch của chính quyền điện tử, gồm:
Chính quyền với chính quyền (G2G): Giúp các cơ quan hành chính chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian hội họp không cần thiết.
Chính quyền với doanh nghiệp (G2B): Đây là giao dịch có nhiều hoạt động trực tuyến được kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền từ mức độ chuyên nghiệp như mua sắm hàng hóa công, đấu thầu các dự án chi tiêu công cho đến những ứng dụng đơn giản như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, hỏi - đáp pháp luật, cấp giấy phép xây dựng, đất đai...
Chính quyền với công dân (G2C): Ở cấp độ tương tác này chính quyền sẽ cung cấp các thông tin trực tuyến chính xác, toàn diện về các luật lệ, quy chế chính sách và các dịch vụ công trực tuyến như làm hoặc cấp mới các giấy tờ cá nhân, các chứng chỉ, đóng và hoàn thuế thu nhập, nhận trợ cấp; cấp mới, cấp đổi các loại giấy phép lái xe, đăng ký lập doanh nghiệp, đăng ký nhân khẩu...
Chính quyền với người lao động - công chức, viên chức (G2E): Đây là các dạng giao dịch của chính những người làm việc trong cơ quan nhà nước trực tiếp với các cơ quan nhà nước như vấn đề lương, bảo hiểm, đóng thuế thu nhập...
Các giai đoạn phát triển của chính quyền điện tử
Giai đoạn 1 - Thông tin: Trong giai đoạn đầu, chính quyền điện tử có nghĩa là hiện diện trên trang web và cung cấp cho công chúng các thông tin thích hợp. Giá trị mang lại ở chỗ công chúng có thể tiếp cận được thông tin của chính quyền, các quy trình trở nên minh bạch hơn, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Với sự tương tác giữa các cơ quan chính quyền (G2G), các cơ quan chính quyền cũng có thể trao đổi thông tin với nhau bằng các phương tiện điện tử, như internet, hoặc trong mạng nội bộ.
Giai đoạn 2 - Tương tác: Trong giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C) và với doanh nghiệp (G2B) được thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Người dân có thể hỏi qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian. Việc tiếp nhận đơn thư, kiến nghị có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ trong ngày. Giai đoạn này thực hiện được khi thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa điện tử, cơ chế một cửa liên thông điện tử.
Giai đoạn 3 - Giao dịch: Với giai đoạn thứ ba, tính phức tạp của công nghệ tăng lên nhưng sự tương tác (G2C và G2B) cũng tăng. Các giao dịch hoàn chỉnh có thể thực hiện mà không cần đi đến cơ quan hành chính. Mở rộng các dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và 4. Giai đoạn 3 là phức tạp bởi các vấn đề an ninh và cá thể hóa, chẳng hạn như chữ ký số (chữ ký điện tử) là cần thiết để cho phép thực hiện việc chuyển giao các dịch vụ một cách hợp pháp. Về khía cạnh doanh nghiệp, chính quyền điện tử hỗ trợ các ứng dụng mua bán trực tuyến. Ở giai đoạn này, các quy trình nội bộ (G2G) phải được thiết kế lại để cung cấp dịch vụ được tốt. Chính quyền cần những quy định pháp luật để cho phép thực hiện các giao dịch không sử dụng tài liệu bằng giấy.
Giai đoạn 4 - Chuyển hóa: Giai đoạn thứ tư là khi mọi hệ thống thông tin được tích hợp hoàn toàn, các dịch vụ điện tử không còn bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính. Khi đó người dân có thể hưởng các dịch vụ G2C và G2B tại một bàn giao dịch (điểm giao dịch ảo). Ở giai đoạn này, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu khách hàng đã đạt được các mức cao nhất có thể được.
H.Nguyễn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065