BP - Buổi tổng kết cuối năm lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi “hai trong một”, con gái trở về nhà với chiếc áo dài trắng chi chít chữ ký trên lưng áo. Hỏi vì sao thì cháu trả lời đây là cách lưu lại kỷ niệm thời phổ thông để chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời: học chuyên nghiệp. Chị bảo cách lưu giữ kỷ niệm này hơi bất tiện, vì không thể đi đâu cũng mang theo áo bên mình. Sao các con không rủ nhau đi chụp hình, vừa thuận tiện lại lưu giữ được lâu? Con gái bảo chụp hình “xưa” rồi mẹ ơi. Bây giờ nhiều lớp không chỉ ký vào áo mà còn tổ chức quay video, làm phim ngắn hay chí ít cũng làm kỷ yếu. Chị cười buồn. Đúng là chị thành người xưa rồi. Cuộc sống thay đổi nhiều quá và bọn trẻ bây giờ khác lớp chị ngày xưa quá.
Thật lạ. Mỗi khi nhớ về thuở học trò, chị lại không nhớ nhiều về những ngày cuối bậc trung học phổ thông. Ký ức chị luôn hiển hiện hình ảnh ngôi trường cấp một với cây ổi mỡ sát gian nhà nhỏ của bác quản trường. Gốc cây ổi to sụ và bong từng lớp vỏ cây nhưng quả thì chỉ nhỏ như trái chanh. Chị nhớ bởi cây ổi này gắn bó rất nhiều với tuổi thơ thiếu thốn của lũ trẻ quê nghèo. Nhà chị chỉ có mảnh vườn hẹp nên không thể trồng cây ăn trái. Hồi ấy nhìn thấy trái gì cũng thèm thuồng. Mỗi ngày đến trường, ngoài việc học, chị còn có niềm vui ngửa cổ tìm những trái ổi nhỏ xíu ẩn mình trong tán lá um tùm.
Chẳng biết cây ổi có từ bao giờ mà khi chị học lớp hai, ba đã thấy cây khá to, tán lá che gần hết gian nhà nhỏ của bác quản trường. Những ngày trời nắng, dưới bóng cây rợp mát ấy là chỗ chơi lý tưởng của đám trẻ mê đánh chắt, đánh chuyền, kéo co. Ánh mặt trời xuyên qua tán lá rắc lên mặt đất những chấm sáng di động mỗi khi có gió. Sau kỳ nghỉ tết, khi những chùm hoa trắng đục lấp ló trong những tán lá với hương thơm chan chát thoảng trong gió là chị cùng đám bạn mong ngóng ngày ổi chín. Những trái ổi lớn dần thì bọn trẻ cũng ngày càng thân thiết với bác quản trường hơn. Mấy đứa con trai xun xoe quét sân, xách nước tưới cho mấy cây rau thơm và hoa mười giờ, hòng sau này bác cho ăn ổi. Khi những trái ổi mới chỉ bằng đầu ngón chân cái là đám trẻ đã mắt la mày lét. Chúng lượn lờ dưới gốc cây và mong có phép màu để những trái ổi kia rụng xuống. Bác quản trường miệng thì quát mắng nhưng thi thoảng cũng để mặc kệ đám trẻ lấy que chọc những trái ổi xanh. Khi những trái ổi còn non rụng xuống là cả đám lao vào nhặt. Lớp vỏ ổi vẫn còn nhăn, chưa láng mịn, ăn chát xít cổ nhưng sao lúc ấy chị ăn thấy ngon đến thế.
Ngày xa rời mái trường cấp một, chị thấy rất vấn vương, lưu luyến, nhất là cây ổi già với tán lá trùm mát rượi góc sân trường. Mãi sau này, khi đã lớn hơn chị mới biết mình không chỉ lưu luyến cây ổi mà còn vấn vương thương nhớ cả bác quản trường. Nỗi nhớ giống như khi phải chia xa một người thân thiết. Chị vẫn nhớ như in những buổi đánh chuyền, đánh chắt dưới tán cây, trống đánh vào lớp rồi còn “ăn thua” đánh cố rồi bị cô phạt. Nhớ những chấm sáng di động trên mặt đất dưới tán cây mỗi khi có gió. Nhớ hương hoa chan chát, hương ổi chín thơm lừng. Và nhớ nhất cái vị chát của những trái ổi non mà chị cùng đám trẻ lén bác quản trường đập cho rơi xuống rồi chia nhau ăn rất ngon lành. Và mỗi khi gặp lại bạn cũ, câu chuyện cuốn hút mọi người vẫn là khoảng sân trường mát lành cùng với bác quản trường hiền lành, tốt bụng.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065