BP - Trước khi bước vào năm học mới, gia đình cô em họ đang sống tại thị xã Đồng Xoài đưa hai con về quê chồng ở Hà Đông (Hà Nội) chơi. Theo nguyện vọng của con, cả gia đình đã có hơn một ngày trải nghiệm những trò chơi dân gian ở phố đi bộ Hồ Gươm. Và khi trở lại Đồng Xoài, không chỉ hai đứa trẻ mà cả hai vợ chồng đều hào hứng kể rất nhiều về những điều thú vị khi đến phố đi bộ Hồ Gươm. Những trò chơi dân gian lâu nay bọn trẻ chỉ đọc được trong sách như chi chi chành chành, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, kéo co, đi cà kheo, đánh chuyền đánh chắt... thì bây giờ chúng được trực tiếp tham gia tại phố đi bộ. Thằng anh hào hứng kể: Có cả những ông Tây cao lớn cũng ngồi bệt xuống lòng đường xem chúng con chơi ô ăn quan rồi lấy máy ảnh ra chụp. Có những người lớn tuổi cũng chơi trò nhảy bao bố, kéo co và hò hét rất vui nhộn. Con ước gì mỗi năm ba mẹ cho chúng con hai lần ra Hà Nội để chơi.
Trò chơi dân gian giúp trẻ em hào hứng học tập và hình thành nhiều đức tính tốt đẹp. Trong ảnh: Trẻ em chơi ô ăn quan (ảnh minh họa) - K.B
Không riêng gì hai đứa cháu của tôi, dù ở nông thôn hay thành thị, hầu hết trẻ em đều yêu thích những trò chơi dân gian bởi mỗi trò chơi đều có đông người tham gia. Ở lứa tuổi học trò, với bản tính hiếu động, các em dễ hòa đồng, hứng thú với các hoạt động tập thể. Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều em ngoài giờ học chỉ cắm cúi chơi game, nghe nhạc, xem tivi... Có em quá mê game quên cả học, quên ăn uống. Lại có em ngồi lỳ một chỗ trước máy tính và chỉ ăn thức ăn nhanh như bánh kẹo, mì ăn liền nên bị béo phì. Nhiều em mới tiểu học đã phải đeo cặp kính cận dày cộp vì suốt ngày nhìn màn hình điện thoại, máy vi tính... Để góp phần khắc phục tình trạng bạo lực học đường, “lôi” các em ra khỏi những trò chơi game bạo lực, nhiều trường học đã chủ động đưa trò chơi dân gian vào nhà trường. Điều đó không chỉ đem lại không khí vui chơi thoải mái, lành mạnh, giảm căng thẳng trong học tập cho các em, giảm tình trạng bạo lực học đường mà còn góp phần khôi phục giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Tại Bình Phước, từ nhiều năm qua, các trường tiểu học: Chơn Thành A, Nha Bích, Minh Lập (Chơn Thành) đã từng bước đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Vào giờ ra chơi, ở những ngôi trường này không còn cảnh học sinh rượt đuổi, nghịch phá hoặc chơi các trò bạo lực nữa. Thay vào đó, mỗi lớp tổ chức một trò chơi dân gian khác nhau như kéo co, nhảy dây, chơi lò cò, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, hát đồng dao... Cả sân trường như ngày hội văn hóa dân gian với rất nhiều trò chơi từ dễ đến khó. Tại thị xã Đồng Xoài, từ nhiều năm qua, Trường THPT Hùng Vương đã tiên phong đưa các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, xe đạp chậm, chuyền chanh, kéo co, nhảy sạp... vào trường học. Những trò chơi diễn ra ngoài trời và có đông người tham gia đã gắn kết học sinh, hướng các em hòa đồng với thiên nhiên, từ đó càng yêu thiên nhiên, quý trọng bạn bè, thầy cô hơn. Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ, những trò chơi dân gian còn giúp các em rèn luyện kỹ năng sống. Khi chơi các em phải biết nhường nhịn nhau, không quá ăn thua để đánh mất tình bạn. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và hình thành nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế tật xấu, góp phần giáo dục các em về truyền thống văn hóa của cộng đồng.
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học hoặc tổ chức tại các sự kiện mang tính cộng đồng có rất nhiều lợi ích. Trước hết là phần lớn các trò chơi dân gian đều giúp người chơi, nhất là trẻ em rèn luyện sức khỏe, có kỹ năng ứng xử trước các tình huống khác nhau trong cuộc sống và thói quen làm việc theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm các trò chơi vận động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò... giúp các em tăng cường sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết. Những trò chơi ít vận động hơn như ô ăn quan, cờ tướng... lại giúp phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng phán đoán. Cái lợi nữa là phần lớn các trò chơi dân gian thường đơn giản, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ chơi và có tính thu hút rất cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường học còn lúng túng trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường. Nguyên nhân là do thiếu không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức các trò chơi, chơi như thế nào để vừa vui tươi lành mạnh vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên không được tập huấn, hướng dẫn về cách chơi, luật chơi trò dân gian nên lúng túng...
Hàng ngàn năm trước, ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe, để gắn kết tình làng nghĩa xóm, để tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những ai được sinh ra, lớn lên ở thôn quê sẽ không thể nào quên tuổi thơ được tắm đẫm trong những trò chơi dân gian lành mạnh và vui nhộn. Và tôi, dẫu cách xa quê hương hàng ngàn cây số; dẫu từ lâu không còn chơi trò chơi dân gian nào nữa, nhưng khi nghe hai đứa cháu hào hứng kể những trò chơi ở phố đi bộ Hồ Gươm, tôi lại day dứt nhớ những đêm trăng sáng nơi sân đình với các trò chơi nu na nu nống, đánh chắt đánh chuyền; nhớ những chiều hè vi vút tiếng sáo diều trên cánh đồng quê yên bình, ngạt ngào hương lúa.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065