Quang cảnh phiên họp
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm quy định: Về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; một số vấn đề khác có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi (cụ thể là việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với một số loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân; văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật).
Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (các điều 74, 75, 76 và 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội) như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích, thay đổi này sẽ bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo; bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua, tạo sự liền mạch hơn trong việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, việc thay đổi cũng tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật.
Việc điều chỉnh như vậy mới bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của mình tương tự như quy trình lập pháp của nhiều nước trên thế giới và như nước ta đã thực hiện trước đây theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 cho đến khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này năm 2002.
Theo đó, việc soạn thảo dự án luật sẽ bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Việc thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ được thực hiện xuyên suốt, đầy đủ, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, quy định cơ quan của Quốc hội chủ trì tiếp thu, chỉnh lý như hiện nay dẫn đến không ít trường hợp cơ quan soạn thảo cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, do đó không phát huy đầy đủ trách nhiệm, thế mạnh của mình.
Hơn nữa, với quy trình hiện nay thì ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện, chính cơ quan thẩm tra phải làm nhiệm vụ soạn thảo (chỉnh lý văn bản), trong khi những vấn đề tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều, kể cả có thay đổi nội dung chính sách thì lại không được thẩm tra.
Vì vậy, việc “đổi vai” này không những bảo đảm để các cơ quan thực hiện đúng chức năng của mình, mà còn phát huy cao độ tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc soạn thảo đến cùng (bao gồm cả tiếp thu, giải trình, bảo vệ, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản) và thẩm tra đến cùng (bao gồm cả đánh giá, phản biện, chỉnh lý, hoàn thiện).
Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc “đổi vai” này, mà đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời cũng tránh xáo trộn trong tổ chức thực hiện.
Cho rằng 17 năm qua ít thấy cơ quan thẩm tra làm chưa tốt nhiệm vụ của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, nếu "đổi vai", không cẩn thận thì lợi ích cục bộ của các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo sẽ được "cài cắm" trong các dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, đây là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị. Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị dự án Luật này, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung tới 55 điều trên tổng số 173 điều, một số nội dung sửa đổi ảnh hưởng đến thẩm quyền của Quốc hội, trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ mới thực hiện có 3 năm. Vì thế, những vấn đề nào thật cần thiết, chín muồi thì mới sửa, còn những nội dung vướng do khâu tổ chức thực hiện thì không cần sửa đổi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ năm 2002, khi nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật chuyển sang Quốc hội thì số lượng, chất lượng luật được xây dựng, ban hành nâng lên rất nhiều so với giai đoạn trước đó.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, quy định hiện nay không hạn chế vai trò của cơ quan trình dự án luật. Chính phủ vẫn luôn có cơ hội bảo vệ chính sách của mình. Trong quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì nhiều lần gặp nhau để bàn bạc, thống nhất.
“Khi tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời các bộ đến, nhưng có bộ không quan tâm, cử người không đúng thành phần đi dự, cá biệt trước đây có lúc chỉ cử chuyên viên đi. Bây giờ, nếu 'đổi vai' cho Chính phủ chủ trì, tiếp thu, chỉnh lý, liệu có bảo đảm chắc chắn thành phần dự họp đúng quy định và đủ thời gian trước khi trình Quốc hội thông qua hay không? Hiện, chúng ta đang thẩm tra luật mà tài liệu còn gửi muộn thế này, nếu chuyển sang 'vai kia' thì một năm Quốc hội thông qua được mấy luật? Quan điểm của tôi là không 'đổi vai' mà cần tăng cường trách nhiệm phối hợp của cơ quan trình dự án luật,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065