Lớp 12A1, Trường THPT Thống Nhất (Bù Đăng) trong giờ học môn Sử
Nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh
Thầy Trần Quang Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài (Đồng Xoài) cho rằng, dự thảo phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là chủ trương đúng và đã được Bộ GD-ĐT định hướng từ nhiều năm trước. Theo đó, dự thảo có nhiều điểm mới tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, như giảm chi phí, thời gian, áp lực thi cử mà chất lượng dạy học vẫn đảm bảo, thậm chí còn toàn diện hơn. Cụ thể, thí sinh được chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện, yêu cầu cá nhân, nhất là học sinh vùng sâu, xa; trước đây kỳ thi thường diễn ra từ 3-4 ngày, nay giảm còn 2 ngày; thời gian làm bài thi ngắn nên sẽ giảm áp lực về kiến thức và vì thế đề thi cũng sẽ dễ hơn, “mềm” hơn. Kỳ thi tổ chức theo hướng hiện đại vì chỉ có môn Văn là thi tự luận, còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm. Vì vậy, để hoàn thiện bài thi thí sinh phải xử lý tình huống nhanh, tăng tốc hơn. Mặt khác, dự thảo có đề thi tự chọn là tổ hợp các môn khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp các môn khoa học xã hội và điểm xét tốt nghiệp là điểm cộng 50% điểm 4 môn thi và 50% điểm trung bình kết quả học tập lớp 12. Điều này đòi hỏi thí sinh phải học đều các môn, tránh học lệch, xem nhẹ môn phụ, nhất là môn Giáo dục công dân (GDCD).
Em Phạm Văn Cảnh, lớp 12TN2, Trường THPT Đồng Xoài cho biết: “Dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được nhà trường, thầy cô giáo thông báo. Lúc đầu em cũng thấy lo lắng, nhưng khi tìm hiểu kỹ dự thảo thì lại yên tâm hơn vì có nhiều điểm mới, thuận lợi, tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh so với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Em học khối A từ năm lớp 10 nên yên tâm với các môn Lý, Hóa. Tuy nhiên, môn Toán lần đầu tiên được đưa vào thi trắc nghiệm nên em sẽ tìm hiểu thêm dạng đề thi này. Ngoài ra, em còn chú ý thêm môn Sinh và đặc biệt là phải học đều các môn khác để có kết quả học tập lớp 12 cao nhất”.
Với học sinh chuyên về khối C, những điểm mới của dự thảo đem lại sự yên tâm, hào hứng. Em Nguyễn Thị Thảo Anh, lớp 12A2, Trường THPT Thống Nhất (Bù Đăng) cho rằng, so với năm 2016 thì dự thảo kỳ thi quốc gia năm 2017 có lợi hơn nhiều. Ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí, thì lần đầu tiên môn Toán thi trắc nghiệm giúp tránh được điểm liệt. Mặt khác, môn GDCD được đưa vào kỳ thi sẽ tạo sự hứng thú cho học sinh, vì đây là môn học nhẹ nhàng, sát thực tế. “Học GDCD góp phần lớn trong hình thành nhân cách, lối sống học sinh, nhất là giới trẻ trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, những năm trước môn học này được cho là môn phụ, khiến phụ huynh và học sinh xem nhẹ, nay đưa vào kỳ thi THPT quốc gia là hợp lý”- cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên dạy môn GDCD, Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu (Bù Gia Mập) chia sẻ.
Những băn khoăn, lo lắng
Ngoài những điểm mới thuận lợi, dự thảo phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định khiến cả thầy và trò băn khoăn, lo lắng. Em Lý Tú Chi, lớp 12A1, Trường THPT Thống Nhất nói: “Những đổi mới trong kỳ thi năm 2017 là hợp lý nhưng quá nhanh, liên tục khiến chúng em hoang mang, lo lắng. Nhất là bộ môn thi tổ hợp rất mới, lạ nên chúng em chưa hiểu phương pháp làm bài thi và ôn tập như thế nào? Đặc biệt, dự thảo phương án không đưa ra cách tính điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng nên chúng em rất lo. Mặt khác, là học sinh chuyên khối A nhưng đề thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên lại có cả môn Sinh khiến chúng em bất ngờ, vì chưa có sự chuẩn bị trước”. Theo em Chi, để đạt kết quả tốt nhất và khách quan bộ cần định hướng từ lớp 10 để có sự chuẩn bị, tránh hổng kiến thức.
Thầy Đinh Đức Lâm, Hiệu phó Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu cho rằng, thi tổ hợp môn nhằm giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhưng sẽ rất khó cho các em bởi kiến thức quá rộng, trong khi thời gian làm bài chỉ có 90 phút. Toán là môn học tư duy, logic, nếu thi theo hình thức trắc nghiệm là chưa phù hợp vì sợ các em không đủ thời gian làm bài. Nếu muốn tổ chức theo hình thức này cũng phải có lộ trình ít nhất là 3 năm, bắt đầu từ lớp 10 và có giáo trình cụ thể để thầy và trò cùng làm quen. Vì phương pháp dạy - học, làm bài thi tự luận khác hoàn toàn với dạy - học, làm bài thi trắc nghiệm. “Sự thay đổi đột ngột này khiến thầy - trò nhà trường trở tay không kịp, vì thế nên tổ chức phương án thi này vào năm 2019 là hợp lý”- thầy Lâm nói
Lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào kỳ thi tạo sự bất ngờ, hứng thú đối với cả thầy và trò. Tuy nhiên điều này cũng khiến không ít giáo viên lo lắng. Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu cho biết: “Môn GDCD liên quan đến thực tế cuộc sống hằng ngày, vì thế từ lâu cô trò luôn quen với bài kiểm tra tự luận nhưng nay lại thi trắc nghiệm nên không biết phải bắt đầu như thế nào”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều giáo viên khi nói về môn GDCD.
Chuẩn bị sẵn sàng cho phương án kỳ thi THPT sắp tới
Mặc dù dự thảo phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhằm tránh hoang mang, lo lắng, xáo trộn tâm lý học sinh, trước khi chưa có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT cũng như của sở GD-ĐT, các trường vẫn tổ chức dạy học bình thường. Tuy nhiên, hiện vẫn có đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án kỳ thi sắp tới, điển hình là Trường THPT Đồng Xoài.
Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài Trần Quang Đông cho biết: Trước những điểm mới của dự thảo, nhà trường đã có dự tính và chuẩn bị để thầy - trò sẵn sàng bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất. Trước hết tập trung cho 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Tiếng Anh. Sau khi có văn bản chính thức của bộ, trường sẽ họp phụ huynh để thay đổi phân công chuyên môn, tổ chức lại lớp; chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện đổi mới trong cách ra đề thi, phương pháp dạy, lựa chọn nội dung dạy, học phù hợp. Trong các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ của trường thời gian tới sẽ thực hiện theo đúng định hướng đổi mới của bộ. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới của kỳ thi.
“Kỳ thi THPT quốc gia chỉ là để kiểm tra, đánh giá một giai đoạn học tập, rèn luyện của các em, không có gì nặng nề, to tát. Còn việc xét tuyển vào đại học mới chọn người tài, người có năng lực thực sự. Vì vậy, tất cả học sinh, bậc phụ huynh phải thật sự bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào sự chuẩn bị và định hướng của nhà trường cho kỳ thi tới” - thầy Đông nói.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065