BP - Mô hình trường học mới (VNEN) triển khai thí điểm trên địa bàn thị xã Đồng Xoài từ năm học 2012-2013 tại 2 trường tiểu học Tân Bình B và Tân Xuân B. Những năm sau đó, mô hình này được nhân rộng ra hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thị xã. Bên cạnh các mặt tích cực, VNEN cũng bộc lộ những khó khăn nhất định, đặc biệt là số học sinh/lớp quá đông, điều kiện dạy học ở một số trường chưa phù hợp… Vì vậy, năm học 2017-2018 nhiều trường tiểu học tại thị xã đã “nói không” với VNEN.
12/14 trường tiểu học không thực hiện VNEN
Cuối năm học 2016-2017, trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc lấy ý kiến của phụ huynh đối với mô hình VNEN trong năm học 2017-2018, Phòng GD-ĐT thị xã đã chỉ đạo và hướng dẫn tất cả trường tiểu học trên địa bàn thực hiện. Kết quả có 2 trường phụ huynh đồng ý cho con em học chương trình VNEN, với tỷ lệ đồng ý từ 80-100%, đó là tiểu học Tân Bình B và tiểu học Tân Xuân B. Đây là 2 trường thực hiện dự án thí điểm dạy mô hình VNEN đầu tiên của thị xã từ năm học 2012-2013. 3 trường có khoảng 50% phụ huynh đồng ý cho con em học theo mô hình này, là tiểu học Tân Phú, tiểu học Tân Phú B và tiểu học Tân Bình. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng ý học theo mô hình VNEN và chương trình hiện hành có sự chênh lệch giữa các lớp và các khối lớp, vì vậy rất khó cho nhà trường trong hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học. Ngoài các trường nêu trên, 9 trường tiểu học còn lại phụ huynh đều chọn dạy và học theo chương trình hiện hành.
Một lớp học VNEN tại Trường tiểu học Tân Bình B
Trên cơ sở lắng nghe và tổng hợp ý kiến từ phụ huynh và nhà trường, Phòng GD-ĐT thị xã đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên môn để nghiên cứu, thảo luận và đi đến thống nhất trình UBND thị xã Đồng Xoài trong năm học 2017-2018 chỉ có 2 trường tổ chức dạy và học theo mô hình VNEN. Đó là Tiểu học Tân Bình B và tiểu học Tân Xuân B. Như vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện VNEN, đa số phụ huynh vẫn không mặn mà với mô hình này. Cụ thể, năm học 2016-2017, toàn thị xã có 13/14 trường tiểu học triển khai dạy học theo VNEN với 3.872 học sinh; đến năm học này chỉ còn 2/14 trường tổ chức dạy theo VNEN với 972 em. 2 trường THCS Tân Xuân và THCS Tân Bình tổ chức dạy thí điểm chương trình VNEN đối với một số học sinh lớp 6 năm học 2016-2017 (các học sinh này đã học VNEN đến hết lớp 5), nhưng sang năm học này cũng đều lựa chọn chương trình hiện hành.
Chưa phù hợp và thiếu tính liên tục
Khó khăn lớn nhất trong tổ chức dạy và học theo mô hình VNEN đối với các trường trên địa bàn thị xã Đồng Xoài là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trong khi quy định 1 lớp học theo mô hình này chỉ từ 20-25 học sinh, nhưng hiện phần lớn các trường tiểu học trên địa bàn thị xã đều quá tải về số lớp và số học sinh/lớp. Cụ thể là mỗi lớp từ 40 học sinh trở lên. Mặt khác, VNEN chủ yếu là tổ chức học theo nhóm, vì vậy một lớp quá nhiều nhóm, mỗi nhóm nhiều học sinh, trong khi một giáo viên không đủ thời gian bao quát và hướng dẫn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. Bên cạnh đó, do các phòng học đều thiết kế xây dựng cho chương trình hiện hành nên không phù hợp với VNEN. Tại cuộc họp bàn về mô hình dạy học VNEN trước khi bước vào năm học 2017-2018, cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phú B giãi bày: “Lớp học quá đông học sinh nên phải chia làm nhiều nhóm, vì vậy không còn lối đi cho giáo viên. Việc di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác rất khó khăn. Quần áo của cô giáo bị vướng vào bàn ghế và móc rách là chuyện hằng ngày ở các lớp VNEN”. Những năm học trước, một số trường tại thị xã vẫn duy trì mô hình VNEN, nhưng thực hiện theo cách đối phó là sáng dạy VNEN, chiều dạy theo chương trình truyền thống và giữ nguyên bàn ghế theo nhóm. Hoặc ngoài giờ học chính ở trường, phụ huynh lại chở con em mình về nhà cô giáo để học và ôn tập theo chương trình hiện hành.
Lãnh đạo UBND thị xã Đồng Xoài và Phòng GD-ĐT thị xã kiểm tra việc dạy và học theo chương trình VNEN tại Trường tiểu học Tân Bình B, phường Tân Bình
Chương trình VNEN ở bậc tiểu học đã khó thực hiện thì bậc THCS còn khó hơn rất nhiều. Thầy Nguyễn Viết Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân cho biết, chương trình lớp 6 và các lớp bậc THCS nặng nề hơn nhiều, do vậy nếu không có biện pháp thì các em sẽ bị hổng kiến thức. Ở cấp 2 các em đã có sự ỷ lại, nếu học theo nhóm sẽ rất khó tiến bộ đối với học sinh yếu và lười học. Trong khi học VNEN, cả một học kỳ chỉ có 1 bài kiểm tra thì không thể đánh giá đúng thực lực của học sinh. Mặt khác, khi hết lớp 9, các em vẫn phải làm bài thi chuyển cấp khá nặng về mặt kiến thức. Đây cũng là lý do mà tất cả phụ huynh và giáo viên đều không muốn cho con em mình học VNEN khi lên cấp 2.
Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình cho biết: Phụ huynh tìm mọi lý do để chuyển con em mình ra khỏi lớp học VNEN, thậm chí nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con vì không muốn học vnen, hoặc dọa sẽ chuyển trường nếu bắt buộc con em họ học lớp VNEN. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến phụ huynh như thời gian qua là phù hợp, khách quan, vừa thoải mái tâm lý cho phụ huynh và cũng dễ cho nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế, VNEN vẫn có nhiều mặt, nhiều thành tố tích cực. Do đó, năm học 2017-2018, ngoài tiếp tục triển khai tổ chức dạy và học theo mô hình VNEN đối với 2 trường tiểu học Tân Bình B và Tân Xuân B, Phòng GD-ĐT thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học còn lại áp dụng những thành tố tích cực của mô hình này vào giảng dạy trong chương trình hiện hành.
Hoàng Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065