Bài 1: Làm gì để người dân “an cư lạc nghiệp”?
Đến nơi ở mới, người dân đã được Nhà nước làm nhà và giao đất sản xuất, trên cơ sở đó tạo nguồn thu ổn định. Hiện khu ĐCĐC đã có đường điện, trạm cấp nước nhưng do các hộ chưa có tiền để đưa điện và nước sạch vào nhà, gây khó khăn trong sinh hoạt. Mặt khác, công việc quản lý địa bàn của xã cũng gặp không ít trở ngại do số hộ đồng bào chuyển đến chưa làm thủ tục nhập khẩu.
Hơi thở cuộc sống mới
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến với khu ĐCĐC là hình ảnh trẻ em tụ tập vui chơi thành từng nhóm, hàng quán tạp hóa mọc lên, người lớn cặm cụi lao động trên vườn, khác với không gian vắng vẻ, tẻ nhạt trước đây... Không khí tuy chưa thực sự sôi động nhưng đã thấy được hơi thở của cuộc sống mới tại khu ĐCĐC. “Tôi ở thôn 7, xã Đồng Nai, là hộ nghèo nên khi được cấp đất sản xuất, cây giống và nhà ở, tôi rất mừng. Thấy người dân ở đây cần cung cấp hàng tiêu dùng cho sinh hoạt hằng ngày nên tôi mạnh dạn mở tiệm tạp hóa. Sau này, các hộ dân đến đông đủ, tôi sẽ bán nhiều mặt hàng hơn” - chị Thị Mai vui vẻ nói.
Gia đình chị Cao Thị Ênh đang ở ổn định tại khu ĐCĐC
Đoạn đường sỏi đỏ dẫn vào khu ĐCĐC rộng và bằng phẳng. Phía sau những căn nhà của các hộ dân hai bên đường đã được phủ bằng màu xanh của cây lá. Trên từng khoảnh đất, người dân trồng cây cao su, mì hoặc những luống rau, giàn bí... tạo nguồn thu phát triển kinh tế. Vợ chồng chị Cao Thị Ênh và anh Phạm Phước Thử ở thôn 5, xã Bình Minh (Bù Đăng) chuyển đến khu ĐCĐC ở từ tháng 11-2014. Trước đây, vợ chồng chị ở nhờ trên đất người quen và đi làm công cho chủ vườn trong xã. Được cấp đất sản xuất, cây giống và nhà ở, gia đình chị hiện có cuộc sống ổn định hơn. “Trước kia sống ngày nào biết ngày đó, bây giờ có nhà, có đất là tài sản của riêng mình, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh ăn nhờ ở đậu. Vụ mì năm 2014, gia đình thu 7 triệu đồng trên phần đất được cấp nên có tiền mua gạo và thức ăn hằng ngày, vì thế cuộc sống bớt khổ cực” - chị Ênh bộc bạch. Hiện ngoài canh tác trên phần đất được cấp, vợ chồng chị Ênh còn nhận cạo mủ thuê cho tư nhân với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, vợ chồng chị có thêm tiền lo cho 5 đứa con.
Làm gì để gỡ khó?
Dự án đã đầu tư đường điện vào khu ĐCĐC, trạm cấp nước, hội trường, xây 2 phòng học cho bậc tiểu học và 2 phòng học bậc mầm non. Tuy nhiên, trạm cấp nước hiện đang bỏ không, xung quanh cỏ mọc um tùm, vì các hộ dân chưa có tiền để lắp đường ống dẫn nước vào nhà. Được xã giao nhiệm vụ vận hành trạm cấp nước, anh Võ Đăng Hoàng cho biết: Công suất của trạm cấp nước 2kW/máy. Dự án đã bàn giao 2 máy cho UBND xã từ cuối tháng 6-2015, đủ khả năng cung cấp nước cho trên 100 hộ dân nhưng hiện vẫn chưa vận hành. Nguyên nhân do người dân chưa có tiền đầu tư hệ thống dẫn nước vào nhà nên trạm cấp nước vẫn phải nằm “phơi sương”.
Anh Điểu Thâm, Trưởng thôn 8, xã Đồng Nai cho biết: Xã đã phối hợp với Điện lực huyện khảo sát và làm hồ sơ kéo điện cho hộ dân trong vùng dự án. Theo khảo sát, chi phí để kéo từ trụ điện đến hộ gần nhất khoảng 1,2 triệu đồng, hộ ở xa phải chi phí cao hơn. Còn muốn đưa nước vào nhà các hộ dân, mỗi hộ phải đóng khoảng 400 ngàn đồng nên hiện chỉ có 8 hộ dân nộp tiền.
Chị Thị Mai cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi dùng 30 lít nước phục vụ ăn uống, được chở từ nhà cũ ở thôn 7 lên, còn tắm giặt dùng nước suối cách nhà khoảng 1km”. Thực tế do không có kinh phí kéo điện và đưa nước sinh hoạt vào nhà nên người dân chưa đến ở ổn định mà thường xuyên về nơi ở cũ. Vì vậy, tình trạng người dân đi về như gia đình chị Thị Mai không hiếm. Chị Cao Thị Ênh chia sẻ: “Kế bên nhà tôi là hộ anh Cao Văn Ban, khi đi làm rẫy mới thấy vợ chồng anh xuất hiện, còn hết mùa rẫy lại về nơi ở cũ. Hàng xóm gặp mặt nhau rất khó nên chỉ biết tên chứ không biết anh Ban đến từ xã nào. Do không ở cố định nên các hộ cũng chưa chịu đầu tư kéo điện và đường ống dẫn nước vào nhà.
Cũng do số hộ ở không ổn định nên các lớp học phải đóng cửa do thiếu học sinh. Hiện Ban quản lý dự án đã bàn giao 2 phòng học mẫu giáo cho Trường mẫu giáo Hoa Sen và 2 phòng tiểu học được bàn giao cho Trường tiểu học Đồng Nai quản lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Ma Ly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Điện, nước là “mạch máu” của khu ĐCĐC, người dân là “hơi thở” của dự án. Muốn dự án “sống”, người dân phải về sống đầy đủ, ổn định thì mới tiến hành kéo điện, nước. Làm được điều này, lãnh đạo huyện Bù Đăng cần chỉ đạo ráo riết, triệt để chính quyền xã Đồng Nai phối hợp với chính quyền xã nơi các hộ sinh sống trước đây để có cơ sở phối hợp, bàn giao và tiếp nhận các hộ dân thuộc đối tượng hưởng dự án. Khi người dân yên tâm ổn định đời sống mới có thể lo cho việc học của con em đồng bào, hay như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được kịp thời. Đây là dự án ĐCĐC tập trung chứ không phải dự án xen ghép nên cần đẩy nhanh tiến độ “lấp đầy” nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân và an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngọc Bích - Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065